Thay mặt hơn 3,6 triệu đảng viên, 1.377 đại biểu cho trí tuệ, sự thống nhất ý chí và sức mạnh đoàn kết của toàn Đảng cùng tề tựu tại Đại hội, dưới ngọn cờ vinh quang

Tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; các đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Trần Hanh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Trong Đoàn Chủ tịch Đại hội có các đồng chí Châu Văn Minh, Giáo sư, Tiến sĩ, Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Y Mửi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum; Nguyễn Hoài Anh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn Bình Thuận

Đúng 8 giờ, Đại hội chính thức khai mạc. Có mặt tại lễ khai mạc trọng thể, đầy ý nghĩa của Đại hội có các đại biểu khách mời trong nước, gồm các đồng chí: Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Trần Đức Lương; nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ các khóa. Các đại biểu lão thành cách mạng, các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa II, III, IV, V; các đồng chí Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa X; đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; các nhân sĩ trí thức, văn nghệ sỹ tiêu biểu, đại diện chức sắc tôn giáo và đại diện thế hệ trẻ Việt Nam đã có mặt tại Lễ khai mạc.

Tới dự lễ khai mạc Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam còn có các vị Đại sứ, Đại diện, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.

Thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nhiệt liệt chào mừng và chân thành cảm ơn các đồng chí, các vị khách quý đã đến dự Đại hội.

Đại hội lần thứ XI của Đảng có trách nhiệm lịch sử to lớn

Khai mạc Đại hội, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng có trách nhiệm lịch sử to lớn trước toàn dân tộc. Đại hội cần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đề cao tinh thần tự phê bình nghiêm túc để kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện những thành tựu và yếu kém, khuyết điểm, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm qua việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006-2010), tổng kết Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001-2010) và 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trên cơ sở đó, Đại hội quyết định việc bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991; xác định Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011-2020); đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm (2011-2015).

Về xây dựng Đảng, Đại hội có trọng trách kiểm điểm sâu sắc, toàn diện công tác xây dựng Đảng và sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X; xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng trong thời kỳ mới; bổ sung, sửa đổi một số điểm trong Điều lệ Đảng; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI gồm những đồng chí thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực lãnh đạo, bản lĩnh và trí tuệ đủ sức đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới, đủ sức lãnh đạo hoàn thành những nhiệm vụ to lớn, nặng nề trong những năm tới.

"Với những nhiệm vụ nêu trên, Đại hội lần thứ XI của Đảng có ý nghĩa trọng đại, định hướng và động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại" - Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nêu rõ.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá

Tại Đại hội, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trình bày báo cáo của BCH Trung ương Đảng khóa X về các văn kiện Đại hội XI của Đảng với chủ đề "Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại".

Tổng Bí thư cho biết, trong quá trình chuẩn bị Đại hội, các dự thảo văn kiện Đại hội đã được thảo luận, góp ý tại đại hội Đảng bộ các cấp, được công bố rộng rãi để lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội, các thành viên, hội viên của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các đồng chí lão thành cách mạng, các nhân sĩ, trí thức, đông đảo các tầng lớp nhân dân trong nước, đồng bào ta định cư ở nước ngoài và đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp quý báu, đầy tâm huyết, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với Đảng, với đất nước, mong muốn Đảng ta ngày càng vững mạnh, đất nước ta ngày càng phát triển. Ban Chấp hành Trung ương đã tiếp thu tối đa những ý kiến hợp lý, xác đáng để bổ sung, hoàn chỉnh làm cho các văn kiện trình Đại hội thật sự là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, đồng thời để chỉ đạo trong hoạt động thực tiễn.

Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, nhìn lại 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010, 20 năm thực hiện cương lĩnh năm 1991.

Nổi bật là: Nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, cơ bản giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, các ngành đều có bước phát triển, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa và các lĩnh vực xã hội có tiến bộ; bảo vệ tài nguyên, môi trường được chú trọng hơn; đời sống các tầng lớp nhân dân được cải thiện; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng, vị thế, uy tín quốc tế của nước ta được nâng cao; phát huy dân chủ có tiến bộ, khối đại đoàn kết dân tộc tiếp tục được củng cố; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được đẩy mạnh, hiệu lực, hiệu quả hoạt động được nâng lên; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tăng cường, đạt một số kết quả tích cực. Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đạt được một số kết quả bước đầu. Đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, vào công cuộc đổi mới và triển vọng phát triển của đất nước.

"Tuy còn nhiều hạn chế, yếu kém, nhưng kết quả đạt được trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001-2010 và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong 20 năm qua" - Tổng Bí thư khẳng định.

Đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta

Về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh: Dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển) chỉ rõ, đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới.

Dự thảo Cương lĩnh đã xác định xây dựng CNXH là quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới nhằm tạo ra sự biến đổi về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen.

Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, Dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) chỉ rõ: Toàn Đảng, toàn dân ta cần quán triệt và thực hiện tốt 8 phương hướng cơ bản.

Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại

Sau khi phân tích bối cảnh trong nước và quốc tế giai đoạn mới, Tổng Bí thư cho biết, xuất phát từ yêu cầu và dự báo tình hình thực tế của đất nước trong thời gian tới, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 được xác định là Chiến lược tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh, bền vững; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Để thực hiện được tư tưởng chỉ đạo đó, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đã đề ra 5 quan điểm phát triển. Mục tiêu tổng quát của chiến lược là: Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 7-8%/năm.

Tăng cường quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước

Về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, Tổng Bí thư khẳng định quan điểm thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng - an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững hoà bình, ổn định chính trị và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Chủ động đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Tăng cường quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân, Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Phát triển đường lối, nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân và lý luận khoa học an ninh nhân dân; kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế. Xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, có số lượng hợp lý, có sức chiến đấu cao, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ rộng khắp. Xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang được trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật từng bước hiện đại.

Tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh. Tiếp tục hoàn thiện các chiến lược quốc phòng, an ninh và hệ thống cơ chế, chính sách về quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới. Chủ động, tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh.

Quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu

Báo cáo của BCH Trung ương Đảng khóa X cũng nêu rõ các nội dung về phát huy dân chủ XHCN và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu, sửa đổi Điều lệ Đảng. "Đất nước ta đã vượt qua những khó khăn, thử thách to lớn, ngày càng lớn mạnh và đang vững bước đi lên. Tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng, tạo cho nước ta nhiều thời cơ nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức mới.

Đại hội XI của Đảng khẳng định ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, triệu người như một, năng động, sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước nhanh, bền vững, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội" - Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chỉ rõ.

Tại Đại hội, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đọc Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X.

THANH LÂM