Từ những lá đơn vô lý…
Nguyên do kiện cáo, theo đơn của ông Thuận và ông Tư thì năm 1994, ông Tư có nhận chuyển nhượng của vợ chồng ông Ngô Duy Thanh, bà Hoàng Thị Chi một mảnh đất, diện tích 189m2 tại phố Yên, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc (nay là huyện Mê Linh, TP Hà Nội) với giá 43 triệu đồng. Hai bên chuyển nhượng cho nhau có “giấy trắng, mực đen” rất rõ ràng; bên mua giao tiền, bên bán nhận đủ không thiếu một xu và được UBND xã Tiền Phong chứng nhận.
Ngày 5-10-2000, do không có nhu cầu sử dụng, ông Tư đã chuyển nhượng lại thửa đất nói trên cho vợ chồng ông Ngô Quang Thuận, bà Cao Thị Vượng với giá 45 triệu đồng. Trong văn bản ông Tư chuyển nhượng đất cho vợ chồng ông Thuận còn có sự làm chứng của ông Thanh. Năm 2001, gia đình ông Thuận đã tiến hành san nền, xây dựng nhà cùng các công trình phụ và sinh sống ổn định trên thửa đất nói trên.
Cuối năm 2003, do giá đất lên cao, ông Thanh nắm được các thiếu sót trong giao dịch chuyển nhượng đất đều là các văn bản viết tay, chưa bên nào hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng đất theo quy định của pháp luật nên đã phát đơn kiện ông Thuận. Ban đầu, ông Thanh vu vợ chồng ông Thuận cướp đất của gia đình ông. Sau đó, ông Thanh tiếp tục vu cho ông Tư trước đây chưa trả đủ tiền… để đòi lại đất.
Từ những lá đơn vô lý của ông Thanh, Công an huyện Mê Linh vào cuộc điều tra, xác minh.
Tại Văn bản số 530/CAML ngày 28-7-2004 của Công an huyện Mê Linh khẳng định: Vợ chồng ông Ngô Duy Thanh, bà Hoàng Thị Chi ở trên mảnh đất 511m2, tại khu 7, xã Tiền Phong. Ngày 29-9-1994, gia đình ông Thanh đã bán quyền sử dụng đất, diện tích 189m2 và hoa màu cho ông Nguyễn Xuân Tư là có thật… Năm 2000, ông Tư bán lại quyền sử dụng thửa đất nói trên cho vợ chồng ông Thuận đã có sự chứng kiến của ông Thanh (chủ đất cũ).
Không chấp nhận việc Công an huyện Mê Linh giải quyết, ông Thanh tiếp tục có đơn gửi UBND huyện Mê Linh. Ngày 5-8-2004, UBND huyện Mê Linh có Quyết định 660/QĐ-CT, giải quyết tranh chấp đất giữa ông Ngô Duy Thanh với ông Ngô Quang Thuận. Quyết định của UBND huyện Mê Linh cũng khẳng định, việc gia đình ông Thanh chuyển nhượng quyền sử dụng đất thổ cư cho ông Tư; rồi ông Tư chuyển nhượng lại cho vợ chồng ông Thuận là có thật. Ông Thanh tố cáo ông Thuận cướp đất là sai sự thật. Tuy nhiên, tất cả các bên mua bán không làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước là trái với Điều 78, Luật Đất đai năm 1993. Chủ tịch UBND huyện Mê Linh yêu cầu các bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Thanh với ông Tư; giữa ông Tư với ông Thuận phải làm đầy đủ thủ tục chuyển quyền sử dụng đất và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Dù kết luận của UBND huyện Mê Linh “hai năm rõ mười” như vậy, nhưng với lòng tham lam vô đáy, ông Thanh không từ bỏ ý định chiếm lại đất đai của gia đình ông Thuận bằng việc bất hợp tác với ông Tư để hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng đất theo yêu cầu của UBND huyện Mê Linh đồng thời lần tìm kẽ hở đi kiện gia đình ông Thuận ra tòa án…
Khi lòng tham… trỗi dậy?
Lật lọng, vu khống để chiếm lại đất theo con đường hành chính không được, không từ bỏ ý đồ, ông Thanh tiếp tục kiện ông Thuận ra TAND huyện Mê Linh.
Tuy nhiên có điều trong vụ việc này tranh chấp phát sinh được xác định từ cuối năm 2001 nên TAND huyện Mê Linh căn cứ theo Điều 159, Bộ Luật Tố tụng dân sự quy định ngày 12-12-2005, đã ra thông báo trả lại đơn khởi kiện của ông Thanh.
Không hiểu sao, hai năm sau, ngày 6-2-2007, ông Thanh tiếp tục kiện ông Thuận ra tòa án bằng vụ “Kiện đòi tài sản”. Bản án số 44/2007/DSST của TAND huyện Mê Linh đã xác định được bản chất vụ việc và tiếp tục bác đơn khởi kiện của ông Thanh đối với ông Thuận.
Đến năm 2008, ông Thanh lại tiếp tục kiện ông Thuận ra tòa án với nội dung khởi kiện về “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”. Điều khá lạ, Bản án số 06/2011/DSST ngày 11-7-2011 của TAND huyện Mê Linh xét xử lại tuyên buộc vợ chồng ông Thuận phải trả lại 189 m2 đất cho vợ chồng ông Thanh.
Trước rất nhiều điều vô lý, sai trái trong Bản án 06/2011/DSST của TAND huyện Mê Linh, ngày 4-8-2011, VKSND huyện Mê Linh đã có Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 348/QĐ/KNPT đề nghị TAND TP Hà Nội đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm theo hướng: Hủy bản án dân sự sơ thẩm, giao hồ sơ cho TAND huyện Mê Linh giải quyết lại theo hướng “ông Thanh chuyển nhượng đất cho ông Tư, nếu xảy ra tranh chấp hợp đồng thì phải là tranh chấp giữa ông Thanh với ông Tư chứ không thể là tranh chấp giữa ông Thanh với ông Thuận”…
Theo đề xuất này, ngày 5-11-2013, TAND huyện Mê Linh đã đưa vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là vợ chồng ông Thanh, bà Chi và bị đơn là ông Tư ra xét xử. Vợ chồng ông Thuận, bà Vượng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ kiện.
Tuy dù các tài liệu và chứng cứ thể hiện rõ ý chí tự nguyện của vợ chồng ông Thanh chuyển nhượng đất ông Tư nhưng thật khó hiểu HĐXX vẫn xử tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất năm 1994 giữa vợ chồng ông Thanh và ông Tư; và tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất năm 2000 giữa ông Tư và ông Thuận. Tòa án cũng buộc ông Thuận phải trả lại 189m2 đất cho ông Tư để ông Tư trả lại cho vợ chồng ông Thanh. Vợ chồng ông Thanh có trách nhiệm thanh toán số tiền hơn 1,8 tỷ đồng cho ông Tư để ông Tư trả lại cho ông Thuận…
Không chấp nhận án tuyên này ông Tư và ông Thuận đã có kháng cáo. Hai ông cho rằng TAND huyện Mê Linh xét xử như trên là vô lý.
Vô lý ở chỗ, mảnh đất đã nhận chuyển nhượng 20 năm nay; ông Thuận đã xây nhà, ăn ở tại đó 13 năm nay thì đúng ra TAND huyện Mê Linh phải bảo vệ công bằng và lẽ phải là bác đơn kiện của vợ chồng ông Thanh. Thế nhưng điều đó đã không xảy ra!
Cũng theo ông Tư và ông Thuận, việc chuyển nhượng đất cho nhau chưa làm thủ thục theo quy định của pháp luật thì HĐXX phải yêu cầu các bên hoàn thiện thủ tục này. Tại sao lại căn cứ Điều 134, Bộ luật Dân sự để ra quyết định buộc các đương sự trong vụ án phải thực hiện quy định về hình thức của hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất lập năm 1994 giữa ông Thanh và ông Tư cũng như hợp đồng giữa ông Tư với ông Thuận lập năm 2000? Điều cốt yếu, nếu tòa xét xử như trên thì không chỉ riêng vụ kiện này mà còn có rất nhiều vụ kiện tương tự khác do người dân thiếu hiểu biết pháp luật khi mua bán đất đai sẽ bị rơi vào vòng xoáy của kiện tụng mà thôi!
Bài và ảnh: Chính Nhi