Lễ hội Cầu ngư bắt nguồn từ tục thờ ông nam Hải (thờ cúng cá Voi) - là tập tục lâu đời của cư dân vùng biển từ bắc miền Trung trở vào Nam, tiêu biểu nhất là vùng đất Nam Trung Bộ, trong đó có Khánh Hòa. Từ những truyền thuyết đầy màu sắc thần bí và niềm tin tưởng sâu sắc của các ngư dân, cá Voi đã được linh thiêng hóa thành một vị phúc thần của biển cả, được đông đảo các ngư dân vùng ven biển nói chung và Khánh Hòa nói riêng thành kính tôn thờ với những danh từ thể hiện sự tôn sung với nhiều cách gọi: Đức Ông, Cá Ông hay Ông Nam Hải…
Ngày nay, Lễ hội Cầu ngư ở Khánh Hòa được tổ chức với các nghi thức truyền thống như lễ rước sắc, lễ nghinh ông, hò bá trạo, lễ tế chánh, thứ lễ, tôn vương, tống na…Ngoài ra, trong Lễ hội còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian với những nét đặc thù, hội tụ đầy đủ những giá trị văn hóa cổ truyền. Qua đó, Lễ hội cầu ngư ở Khánh Hòa trở thành vốn tài sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống quý báu trong kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc.
Tại Khánh Hòa, từ thời Minh Mệnh thứ ba (1822) đã sắc phong thần Nam Hải do ngư dân lập và thờ tại lăng Bình Tây, xã Ninh Hải thị xã Ninh Hòa. Hiện trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 46 đình - lăng của các làng ven biển có tục thờ cúng cá Voi - Ông Nam Hải và tổ chức Lễ hội Cầu ngư vào dịp đầu năm mới. Lễ hội Cầu ngư đã trở thành ngày hội văn hóa làng biển của cộng đồng ngư dân, góp phần giáo dục tình yêu quê hương đất nước, hướng về cội nguồn và tạo nên sự cố kết cộng đồng; là niềm tin, ý chí vượt qua khó khăn, gian lao, bài ca lao động của những ngư dân ven biển.
Với những ý nghĩa lớn lao đó, tháng 12-2012, Lễ hội Cầu ngư ở Khánh Hòa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.



Công Thi