Trong đơn gửi về Báo CCB Việt Nam, bà Lưỡng trình bày, những mảnh đất thuộc về bà bị người chú là ông Nguyễn Văn Phú (người cùng thôn) chiếm dụng và chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ)... Đọc đơn và nghiên cứu tài liệu thấy chuyện của bà Lưỡng thật phi lý và đau lòng.
Mảnh đất rõ ràng về nguồn gốc
Theo đơn bà Lưỡng trình bày: Tháng 12-1954, Uỷ ban hành chính (UBHC) tỉnh Bắc Giang có cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất cho bà Nguyễn Thị Thược (bà Thược hiện vẫn còn sống và là con gái ông bác ruột bà Lưỡng -PV). Sổ đỏ thể hiện có 18 thửa đất, trong đó đất ở có 3 thửa tổng diện tích 3 sào 12 thước. Khi bà Thược đi lấy chồng, bà đã giao lại toàn bộ số diện tích đất được cấp sổ đỏ cho bố tôi là Nguyễn Văn Cường được toàn quyền sử dụng để thờ cúng tổ tiên. Năm 1966 bố tôi mất, để lại ruộng đất cho 3 người con là Nguyễn Thị Ngưỡng, Nguyễn Văn Tưởng và tôi - Nguyễn Thị Lưỡng sử dụng.
Các thửa đất khác hiện nay anh trai tôi - ông Nguyễn Văn Tưởng vẫn đang sử dụng không tranh chấp với ai. Chỉ riêng 2 thửa đất ở khu vườn Mật (nay là xóm Hồ, thôn Lạc Yên) có tổng diện tích 1 sào 12 thước (tương đương 648m2) đây là hai mảnh đất nhiều năm qua xảy ra tranh chấp khiến bà Lưỡng khốn đốn.
Bà Thược hiện còn sống vẫn khẳng định việc mình để lại đất cho ông Nguyễn Văn Cường và ông Cường để lại cho các con của ông sử dụng là đúng.
Tại một số văn bản của chính quyền xã Hoàng Vân và cơ quan chức năng huyện Hiệp Hòa cũng từng xác nhận việc giao nhận trên là có thật (tuy không có giấy giao nhận). Một bằng chứng nữa là năm 1991, ông Nguyễn Văn Tưởng có làm đơn xin chuyển một phần đất cho bà Lưỡng. Văn bản này chính quyền thôn Lạc Yên và chính quyền xã Hoàng Vân đã xác nhận việc chuyển quyền sử dụng đất vào ngày 5-7-1991.

Đã có quyết định giải quyết của tỉnh?
Về nguồn gốc thì đất thuộc quyền sở hữu của bà Lưỡng là đã rõ. Tuy nhiên, nhiều năm qua, bà Lưỡng chỉ được quản lý sử dụng một phần của 1 mảnh đất đó. Bà Lưỡng trình bày: Trên thửa đất 89 tờ bản đồ số 13, năm 1986, ông Nguyễn Văn Phú đã dựng nhà. Trên thửa đất 85 tờ bản đồ số 13, năm 1986, của thôn Lạc Yên bà Lưỡng chỉ được sử dụng một phần làm công trình phụ, phần còn lại ông Phú chiếm dụng bằng “cơ bắp” như cắt dây diện, dải gai mây, chôn cống, xây tường, trồng chuối ngăn không cho bà Lưỡng sử dụng… Bức xúc dồn nén, bà Lưỡng phải đi kiện từ những năm 2003 đến nay.
Về mặt hành chính, sau rất nhiều lần đi kiện, UBND tỉnh Bắc Giang đã ra Quyết định số 1426/QĐ-CT ngày 23-9-2003 theo đó: Cho phép bà Nguyễn Thị Lưỡng được mở đường đi từ đất thổ cư ra đường làng với diện tích 28m2, chiều dài 14m, chiều rộng 2m cách tường hậu nhà ở của ông Nguyễn Văn Phú 60 cm. Bà Lưỡng được quản lý sử dụng, diện tích 22m2 (chiều dài 11 m, chiều rộng 2m). Diện tích 6m2 (chiều dài 3m, chiều rộng 2m) là diện tích đường đi chung của hai hộ bà Lưỡng và ông Phú hai hộ không được sử dụng công trình hoặc cản trở việc sử dụng chung.
Đồng thời quyết định cũng yêu cầu UBND huyện Hiệp Hòa đứng ra thực hiện các công việc trên và sổ đỏ dựa trên thực tế đất hai hộ đang sử dụng.
Bà Lưỡng khiếu nại để giải quyết lối đi và quyền sử dụng đất nhưng quyết định của UBND tỉnh Bắc Giang chỉ giải quyết vấn đề về ngõ đi, chưa giải quyết vấn đề về đất tranh chấp. Thêm vào đó, không hiểu UBND tỉnh Bắc Giang đã căn cứ vào đâu để ra quyết định bắt bà Lưỡng phải mua đất để mở ngõ đi cho mình?! Vì ngay phần đất mà bà Lưỡng phải mua để làm ngõ lúc đó chưa ai được cấp sổ đỏ (mảnh đất này thuộc thửa đất 85, tờ bản đồ số 13 lập năm 1986). Đau xót hơn, quyết định đó đã đưa ra một phán quyết chung chung, từ đó đặt người dân vào thế, ai khỏe cơ bắp thì… thắng. Thời gian ấy, bà Lưỡng chỉ có một thân một mình, sống cùng người chị gái nên thua thiệt.
Hậu quả pháp lý của quyết định đó dồn đến sau này. Trong hành trình đi đòi quyền lợi chính đáng của mình tại Tòa án nhiều cấp tòa lại căn cứ vào quyết định giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh Bắc Giang, đình chỉ giải quyết vụ án. Điều đó khiến hành trình tìm lại quyền sử dụng chính đáng của bà Nguyễn Thị Lưỡng bị… bỏ lửng.

Hô biến đất của người này thành đất của người khác?
Tìm hiểu nguồn gốc đất nêu trên chúng tôi đã đến UBND xã Hoàng Vân. Phó chủ tịch xã ông Chu Văn Bắc, cán bộ địa chính xã bà Nguyễn Thị Hồng và trưởng thôn Lạc Yên đã trình ra bản đồ quản lý đất đai ở địa phương.
Theo tờ bản đồ số 13, xuất bản năm 1980 (không có dấu) của xã Hoàng Vân thì vị trí thửa đất bà Lưỡng đang tranh chấp (theo hiện trạng bản đồ - PV) nằm một phần ở số thửa 1074, ghi diện tích 2.800m2 và thửa 1075 không ghi diện tích.
Đến tờ bản đồ năm 1986 (không có dấu) từ hai thửa thành 3 thửa, bao gồm: Thửa 85 (DT 360m2); thửa 89 (DT 360m2); thửa 62 (DT 2.180m2). Vị trí thửa 85 và 89 nằm tiếp tiếp giáp thửa 62 và thửa 88 (DT 851m2) và ngõ đi chung của xóm.
Tuy nhiên đến bản đồ địa chính xã Hoàng Vân được số hóa năm 2008, thì hai thửa đất 85, 89 nêu trên không còn hiển hiện đầy đủ, nó đã bị mất hẳn 1 thửa và chỉ thể hiện 1 thửa trên bản đồ, diện tích 360m2 là thửa 66-1. Trong khi đó, thửa 66, không hiểu sao lại tăng vọt một cách khủng khiếp lên tới 4.673m2. Trước đó bản đồ năm 1986 là thửa 62, diện tích 2.180m2; bản đồ năm 1980 thửa 1074, diện tích 2.800m2 và thửa 1.075, không ghi diện tích.
Biến động đất đai ở các bản đồ cũng không được thể hiện trong sổ mục kê của xã Hoàng Vân, các tờ bản đồ không đầy đủ con dấu của cơ quan có thẩm quyền, thậm chí là bản đồ không có dấu má gì cả…
Thừa nhận sự sai khác giữa thực tế và bản đồ, giữa bản đồ do thôn lưu trữ với bản đồ được lưu ở xã nhưng cán bộ địa chính xã chỉ “cười” và nói: Đây là cơ sở duy nhất để xã quản lý đất đai; còn sổ mục kê cũng chỉ ghi những hộ đã được cấp sổ đỏ, tính từ năm 1999 trở lại đây. Các hộ chưa được cấp sổ do khi tiếp nhận nhiệm vụ không thấy cán bộ địa chính cũ bàn giao nên “không hay, không biết”.
Chính vì cung cách quản lý đất đai kiểu này, không biết chính quyền vì vô tình hay cố ý đã “hô biến” đất của người này thành người khác, làm cho có hộ bỗng dưng được “đẻ” ra thêm hàng nghìn mét vuông. Bằng chứng là thửa đất số 89, tờ bản đồ số 13 năm 1986, diện tích 360m2 mất hẳn trên bản đồ năm 2008 của xã Hoàng Vân và diện tích này đã “mang tên” con trai ông Nguyễn Văn Phú, được cấp sổ đỏ cấp năm 2010 có diện tích 1.144m2. Và thửa đất số 85 trong tình trạng tranh chấp mà bà Lưỡng không biết kêu ai cho thấu…
Bài và ảnh: Doanh Chính