PV: Thưa đồng chí, sau 5 năm thực hiện chương trình “CCB giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, xóa nghèo, làm kinh tế giỏi”, CCB tỉnh đã đạt được những thành công gì?

Đồng chí Phạm Ngọc Cương: Ngay sau Đại hội lần thứ IV, BCH Hội CCB tỉnh đã có Nghị quyết chuyên đề số 192/NQ-CCB về mô hình “CCB giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, xóa nghèo, làm kinh tế giỏi”, nhằm cụ thể hóa chuyên đề III về phát triển kinh tế của T.Ư Hội CCB Việt Nam. Chúng tôi đã đề ra nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể và các giải pháp đồng bộ, xác định trách nhiệm của các cấp Hội: Tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức cho cán bộ, hội viên về công tác giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, nhằm thúc đẩy, tác động các hộ nghèo thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, kinh tế hộ gia đình, từng bước giảm nghèo bền vững, tránh tư tưởng trông chờ ỷ lại, tự vươn lên không cam chịu đói nghèo.

Trong quá trình triển khai thực hiện, Hội đã tích cực chủ động tham mưu, đề xuất, sự giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành tạo điều kiện để hội viên CCB được tiếp cận với những cơ chế, chính sách ưu đãi về nguồn vốn, kỹ thuật, công nghệ mới. Luôn coi trọng công tác tổng kết, rút kinh nghiệm, phổ biến nhân rộng điển hình để công tác giảm nghèo, làm kinh tế đạt hiệu quả. Chúng tôi đã chỉ đạo các cấp Hội tiến hành rà soát, nắm chắc hộ nghèo, giao chỉ tiêu “xóa nghèo có địa chỉ”. Với sự chỉ đạo và sự vào cuộc quyết liệt của Hội, những năm qua, hội viên CCB trong tỉnh đã gặt hái được những kết quả rất quan trọng trong công tác xóa nghèo, làm kinh tế giỏi, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Hội CCB tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng CSXH, cho 20.000 hộ hội viên vay được 250 tỷ đồng. Các cấp Hội còn động viên, huy động các nguồn vốn từ quỹ Hội và hội viên cho nhau vay, không lấy lãi, được 25,32 tỷ đồng, giúp nhau 46.000 ngày công, tạo mọi điều kiện cho hộ nghèo phát triển sản xuất. Chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, Sở LĐTBXH, Ngân hàng CSXH, Liên minh HTX tổ chức 135 lớp tập huấn cho 9.650 hội viên, làm thay đổi nhận thức, cách nghĩ, cách làm, cách tổ chức lại hoạt động kinh doanh của từng hội viên. Nhiều CCB đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

PV: Hiện nay, đã có sự phát triển kinh tế chênh lệch giữa các vùng, miền trong tỉnh, Hội có biện pháp gì để giúp các cấp cơ sở, hội viên cải thiện cuộc sống?

Đồng chí Phạm Ngọc Cương: Do đặc thù sự phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, đặc biệt như vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế kém phát triển, đường sá giao thông không thuận tiện, nên, trồng rừng, chăn nuôi chưa đạt hiệu quả việc xóa nghèo ở những khu vực đó còn gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi đã chỉ đạo các cấp Hội cơ sở, tập trung giúp đỡ hội viên phát huy những thế mạnh của mình, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển, tận dụng những nguồn vốn để sản xuất kinh doanh. Chỉ trong hai năm, nhiều hộ CCB nghèo được sự giúp đỡ của Hội đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

PV: Điều gì đồng chí tâm đắc nhất sau 5 năm thực hiện chương trình “CCB giúp nhau xóa nghèo, làm kinh tế giỏi” của tỉnh Quảng Ninh và phương hướng thực hiện trong thời gian tới?

Đồng chí Phạm Ngọc Cương: Chúng tôi luôn quán triệt sâu sắc và tổ chức triển khai thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, hội viên. Nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần tự lực, tự cường vươn lên xoá nghèo, làm giàu cho hội viên. Hội đã chủ động tham mưu đề xuất và tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành huy động mọi nguồn lực để giúp hội viên xoá nghèo, làm kinh tế giỏi.

Tỉnh hội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, hội viên, coi việc xóa nghèo, làm giàu là mục tiêu, yêu cầu của phát triển bền vững. Việc giảm nghèo, phát triển kinh tế, đòi hỏi kết hợp 4 yếu tố: Vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm và đào tạo nâng cao nguồn nhân lực. Chú trọng ưu tiên những vùng sâu, vùng xa, các xã đặc biệt khó khăn. Vận động các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp cùng chung tay xóa nghèo cho hội viên. Tiếp tục nhân rộng các mô hình trang trại, gia trại, tổ hợp tác, HTX bằng hình thức: mở hội nghị đầu bờ, tham quan, trình diễn các mô hình điểm… tạo thành phong trào: “CCB gương mẫu, thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”. Phấn đấu đến năm 2015, cơ bản xóa hết nghèo, đưa tỷ lệ khá, giàu lên 60%. Thực hiện công tác sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng những tập thể cá nhân tiêu biểu. Từ đó nhân rộng để CCB phát huy mọi tiềm năng trong sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng Quảng Ninh và đất nước giàu đẹp, văn minh.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Trần Tuấn (thực hiện)