Một trong những hoạt động được Hội CCB tỉnh Lâm Đồng chú trọng là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và ý thức của cán bộ, hội viên khi tham gia giao thông; phát huy vai trò gương mẫu của CCB trong việc vận động nhân dân cùng xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng. Mấu chốt là đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “4 không, 6 phải” với các nội dung: Không uống rượu bia khi tham gia giao thông; không lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ; không chở quá người, quá tải; không cho con cháu điều khiển xe mô tô, xe máy khi chưa đủ tuổi. Phải đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi tham gia giao thông; phải có các loại giấy tờ xe đầy đủ; phải điểu khiển xe đi đúng làn đường, tốc độ; phải đậu đỗ xe đúng quy định; phải có thái độ nhã nhặn khi phạm lỗi và nghiêm túc chấp hành các lỗi do cán bộ, chiến sĩ ngành công an xử lý; phải tích cực, kịp thời tham gia giúp đỡ các trường hợp tai nạn giao thông bất ngờ. Hội CCB tỉnh xác định việc thực hiện các phong trào này là một trong những tiêu chí thi đua trong công tác xây dựng Hội CCB trong sạch vững mạnh, hội viên CCB gương mẫu, gia đình CCB văn hóa. Có thể nói, Phong trào thi đua “4 không, 6 phải” đã có tác dụng rất lớn, vừa nâng cao đạo đức văn hóa giao thông, vừa góp phần giảm thiểu TNGT trên địa bàn tỉnh. Các quy định về ATGT được cán bộ, hội viên và nhân dân chấp hành tốt hơn.
Để trang bị kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về ATGT, hằng năm Tỉnh hội đều mở lớp tập huấn cho số cán bộ từ cơ sở trở lên; cấp huyện tập huấn cho cán bộ chi, phân hội. Từ năm 2013-2015, có trên 7000 lượt cán bộ Hội tham dự các lớp bồi dưỡng, tập huấn công tác phòng chống tội phạm và ATGT. Các cấp Hội đã phối hợp và lồng ghép nội dung tuyên truyền cho gần 182.070 lượt người trong đó có 43.279 lượt hội viên CCB. Định kỳ quý, 6 tháng, năm, trong các buổi sinh hoạt Hội đều có nội dung đánh giá việc thực hiện công tác giữ gìn TTATGT; kịp thời biểu dương những tập thể và cá nhân thực hiện tốt, đồng thời nhắc nhở những con em, gia đình hội viên còn vi phạm ATGT.
Song song với công tác tuyên truyền, xây dựng văn hóa giao thông, Hội CCB tỉnh chỉ đạo các Huyện, Thành hội tổ chức một số mô hình phù hợp với từng địa bàn dân cư. Hội CCB huyện Đạ Tẻh xây dựng mô hình “Câu lạc bộ ATGT” tại thị trấn Đạ Tẻh. Hội CCB TP. Đà Lạt xây dựng mô hình “Tuyến đường CCB tự quản” và mô hình “Đội trật tự đô thị”. TP. Bảo Lộc nhân rộng mô hình “Tổ trợ giúp an ninh”, phát động phong trào 7 không, trong đó có nội dung không vi phạm ATGT. Các huyện Đức Trọng, Đam Rông, Đạ Hoai, Đơn Dương triển khai mô hình “Tổ tự quản CCB”. Một số đơn vị đã vận dụng mô hình Phòng chống tội phạm gắn với ATGT, như Hội CCB huyện Di Linh xây dựng mô hình “Cổng an ninh” tại một số thôn, buôn; huyện Đạ Huoai phát động phong trào nhận chăm sóc, phát quang tuyến đường trung tâm các xã, thị trấn. Hội CCB các xã phối hợp với Đoàn Thanh niên, tích cực tham gia góp tiền, góp công để kéo điện thắp sáng đường quê; tu sửa, xây dựng mới đường liên thôn.
Thường trực Tỉnh hội cũng rất quan tâm đến việc tuyên truyền giáo dục bảo đảm ATGT ở các địa phương có nhiều sông, suối, ao, hồ như các huyện Đam Rông, Lâm Hà, Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai, nhất là vào mùa mưa bão và dịp học sinh nghỉ hè. Những nơi có tuyến đường sắt đi qua như phường 9, phường 10, phường 11-TP. Đà Lạt...
Từ thực tiễn công tác giữ gìn TTATGT nói chung và xây dựng văn hóa giao thông nói riêng ở Lâm Đồng, đồng chí Đào Xuân Vạn-Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh Lâm Đồng cho rằng: Công tác tuyên truyền nâng cao hiểu biết, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân vẫn là vấn đề quyết định để đảm bảo ATGT, văn hóa giao thông. Riêng đối với đội ngũ CCB, cần phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ các cấp Hội, hội viên trong tuyên truyền, vận động nhân dân và tham gia các hoạt động giữ gìn TTATGT. Đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, tổ chức rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình thực sự hoạt động có hiệu quả.
Duy Quang