Lợi dụng ... nước rút?
Trước thông tin “cò đất” ở Ba Vì lấn, lấp hồ Đồng Mô để bán, chúng tôi đến khu vực cầu Muỗi (thôn Muỗi, xã Yên Bài), rẽ vào con đường đất rồi đi vòng ra phía sau khu vực đồi Pheo, đập vào mắt chúng tôi là một bức tường dài được xây kiên cố cao chừng 2m. Nhìn qua bức tường, cây cối um tùm và thấp thoáng những dãy nhà xây cấp 4 và cả kiểu dáng nhà biệt thự được “trồng” lên.
Theo một người dân sở tại cho biết: Khu vực sau chân đồi Pheo những năm trước đây là mặt nước hồ Đồng Mô, nhưng sau khi có Dự án sân golf Đồng Mô xây dựng, mực nước đã rút xuống khoảng 2m.
Khi chúng tôi đến Công ty CP Việt-Mông (trước đây là Nông trường Hữu nghị Việt Nam-Mông Cổ) để tìm hiểu, điều khá bất ngờ là lời của người dân nói trùng lặp như trên bản đồ địa hình phân định ranh giới đất Nông trường cho thấy khu vực này thể hiện là sình lầy.
Trao đổi với PV, ông Trương Hồng Ngọc-Tổng giám đốc Công ty CP Việt-Mông xác nhận: Diện tích đất của Nông trường trước đây chỉ quản lý từ mực cos nước 24 trở lên, còn lại mực nước dưới cos 24 là diện tích mặt nước hồ Đồng Mô do Công ty TNHH một thành viên công trình thủy lợi Sông Tích quản lý.
Dù xác nhận của Tổng giám đốc Công ty CP Việt-Mông là vậy, nhưng thực trạng và “thực mục sở thị” chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi toàn bộ khu vực nhìn trên bản đồ là sình lầy đã được xây tường bao và trồng cây, làm nhà, chuồng trại kiên cố!
Theo phản ánh của người dân, khu vực này do gia đình một “cò đất” có tiếng ở Ba Vì đứng ra “thôn tính” và bán sang tay cho nhiều người.
Năm 2015, gia đình “cò đất” này còn cho máy xúc vào đào vẹt cả góc đồi bên cạnh (ảnh) để lấy đất đổ ra khu vực sình lầy, thậm chí còn “nắn” dòng suối Muỗi để cơi nới đất rộng thêm.
Điều đáng nói, quá trình thực hiện một thành viên trong gia đình “cò đất” còn làm đơn xin Công ty TNHH MTV Công trình thủy lợi Sông Tích cho phép làm một cây cầu bê-tông bắc qua suối Muỗi để đi sang bên kia sình lầy hồ Đồng Mô. Nhưng khi thi công, do người dân báo việc cày xới suối Muỗi làm thay đổi dòng chảy và có hiện tượng đổ đất lấn hồ Đồng Mô nên Xí nghiệp thủy nông Sơn Tây (thuộc Công ty TNHH MTV Công trình thủy lợi Sông Tích) đã ngăn chặn, lập biên bản vi phạm công trình thủy lợi...

Mua bán, chuyển nhượng trái phép?
Trao đổi với PV Báo CCB Việt Nam về sự việc trên, ông Nguyễn Quốc Huy-Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bài cho rằng: Tôi mới lên làm Phó chủ tịch nên thông tin về việc lấn, lấp hồ Đồng Mô tôi không hề hay biết... Vị trí khu đất đề cập thuộc địa giới hành chính của xã Yên Bài hay thuộc địa giới xã Kim Sơn (Sơn Tây) cần phải kiểm tra thực địa mới rõ”.
Ngày 3-6-2016, UBND xã Yên Bài tiến hành lập Biên bản kiểm tra hiện trạng sử dụng đất; theo đó biên bản xác định các hộ đang sử dụng đất tại khu vực này bao gồm: Hộ ông Nguyễn Văn Lâm, thôn Muỗi; hộ ông Lê Ngọc Vạn, ở Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm và hộ ông Cấn Xuân Thể (Tuấn) - vợ Nguyễn Thị Đức trú tại thôn Muỗi là người trực tiếp sử dụng.
Tại biên bản do UBND xã Yên Bài lập, xác định nguồn gốc đất như sau: Hộ ông Thể mua lại 1,1ha của ông Lâm; hộ ông Vạn mua lại 4.900m2 của bà Cấn Thị Hằng (vợ ông Nguyễn Hữu Đạt), trú tại thôn Việt Hòa, xã Vân Hòa từ năm 2013. Các hộ khai nhận đất mua bán có nguồn gốc do Nông trường Việt-Mông giao theo Nghị định 01/CP của Chính phủ. Riêng đối với thửa đất đứng tên hộ ông Nguyễn Văn Lâm, tại biên bản kiểm tra không thấy thể hiện diện tích sử dụng, nhưng nguồn gốc đất được khai là đất khai hoang?
Tuy nhiên, khi được hỏi về sự việc trên, ông Trương Hồng Ngọc-Tổng giám đốc Công ty CP Việt-Mông khẳng định: Trong hồ sơ quản lý hiện đang lưu tại công ty không thấy có giao cho ai diện tích đất như nêu trên. Theo ông Ngọc thì khu vực này vốn dĩ nằm dưới mực cos nước 24 của hồ Đồng Mô nên không thể là đất của nông trường giao cho các hộ nhận khoán!
(Còn nữa)
Kỳ sau: Chủ tịch xã “múa tay trong bị” và nghi vấn hồ sơ đất đai “rởm”
Bài và ảnh: Doanh Chính