Chủ tịch Hội CCB thị xã Hồng Ngự - Nguyễn Văn Chắt cho biết: Để nắm chắc tình hình đường biên, cột mốc, các xã thành lập Tổ tự quản đường biên cột mốc, đều phân công các CCB có nhà ở gần, hoặc có ruộng canh tác gần biên giới, hoặc làm nghề đánh bắt thủy sản ở sông biên giới. “Với việc phân công này mà các CCB có điều kiện thường xuyên có mặt ở khu vực sát biên giới, sát cột mốc, vừa làm ruộng trên mảnh đất của mình, hoặc vừa đánh bắt thủy sản trên sông vừa làm nhiệm vụ bảo vệ đường biên cột mốc, quan sát, nắm bắt tình hình báo cáo kịp thời cho Đồn Biên phòng và UBND xã Bình Thạnh và Tân Hội”.
Năm năm qua, các Tổ tự quản đường biên cột mốc thường xuyên kết hợp với Trạm Biên phòng Mộc Rá, Á Đôn, kênh Thống Nhất và lực lượng hằng tháng tuần tra bảo vệ đường biên cột mốc từ hai đến ba lần. Ngoài ra, các Tổ còn tạo điều kiện người dân qua lại biên giới mua bán, trao đổi, làm ăn, nắm tình hình ở ngoại biên. Cung cấp hàng trăm tin quan trọng, cho công tác bảo vệ an ninh biên giới và công tác phân giới cấm mốc. Bên cạnh đó, Hội CCB chủ động xây dựng lực lượng nòng cốt gồm những đồng chí hội viên có uy tín, kinh nghiệm bố trí gắn liền với quần chúng nhân dân để kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng, nhất là những vấn đề tiêu cực phát sinh trong xã hội. Từ đó tham mưu đề xuất cấp ủy và chính quyền giải quyết ổn thỏa các vụ việc, không để phát sinh mâu thuẫn trong nhân dân được 38 vụ.
Thông qua hoạt động của Hội CCB, người dân thêm gắn bó, đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng lực giữ gìn an ninh chính trị và phòng ngừa, tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và ổn định.
Phương Nghi