Thoạt đầu, anh bạn nói: “Dạo trước tớ đọc Báo CCB Việt Nam có bài “Nâng cao quan trí” của ông Nhà văn Trần Đăng Khoa hay thật!...”
Thấy mọi người hưởng ứng, ông kể lại tinh thần bài báo... Kể xong, ai cũng trầm trồ, khen cái ông Trần Đăng Khoa làm thơ cũng hay, làm báo cũng giỏi.
Khi mọi người còn đang mông lung suy nghĩ, bỗng anh ta cao giọng: “Tớ thấy ông Khoa nói đúng thật, hay thật, nhưng mà chưa đủ”.
Một anh trong tổ vặc lại ngay: “Cái ông nhà báo Trần Đăng Khoa uyên bác, nghiên cứu sâu mới phát hiện ra cái điều phi lý mà bao năm nay chúng ta cứ ra rả ra là, dân ta học vấn thấp, nay muốn phát triển phải nâng cao dân trí, không thấy trước hết phải nâng cao quan trí. Vì “quan” là người lãnh đạo, muốn lãnh đạo giỏi phải nâng tầm trí tuệ. Thế ông nói chưa đủ thì còn thiếu gì nào?
Anh ta xua tay: ông cứ bình tĩnh, tôi nói ngoài việc phải nâng cao “quan trí”, nhiều quan chức bây giờ còn cần phải chú ý đến chống “học lệch” nữa.
Anh này cự lại ngay: ông nói sao, cán bộ bây giờ bét ra là có một bằng đại học, nhiều người mấy bằng ấy chứ! còn mấy vị Thứ trưởng, Bộ trưởng toàn giáo sư, tiến sĩ cả, có phải như mấy cháu chuẩn bị thi đại học đâu mà học tủ, học lệch?
Hình như nung nấu đã lâu, nay mới có dịp giãi bày, anh ta nói: “nhiều quan chức bây giờ kiến thức khoa học xã hội - nhân văn rất hạn chế. Ngoài kiến thức có được từ hồi trong trường phổ thông, trường đại học, nay cái nhớ, cái quên, nhiều vị có bao giờ đọc hết một cuốn sách, một bài lý luận của các tạp chí đâu; trong lúc thời đại “thế giới phẳng”, khoa học, công nghệ tiến như vũ bão. Hết giờ làm việc, hay ngày nghỉ là ten nít, là chơi gôn, là các cuộc “giao lưu”, “quan hệ” lấy đâu ra thời gian để học tập, nghiên cứu. Nên không ít vị nói mãi mà người nghe chả hiểu họ nói cái gì; hay có vị nói vòng vo chẳng có đầu, có cuối gì, cứ lộn nhèo lên cả...
Rồi anh dẫn chứng bao nhiêu chuyện, như: có vị đọc bài phát biểu mà có cả: kính thưa đồng chí Nguyễn Văn A (nếu có); có vị không phân biệt được “thương hiệu” với “danh hiệu”; có người giảng giải: “tàu nước ngoài vi phạm vì họ đi vào vùng đặc quyền kinh tế của ta”; thậm chí, có ông đọc bài phát biểu huấn thị của mình xong, đọc luôn cả bài diễn văn của cấp dưới vừa đọc xong để phía dưới mà chẳng biết là đọc cái gì, mặc cho bên dưới xì xào, cười nói mất trật tự...; thế chả thiếu kiến thức về khoa học xã hội nhân văn là gì?
Đến lúc này, mọi người như bị cuốn hút vào cái mạch câu chuyện anh nói. Ngừng một lát, anh ta nói tiếp: “Không chỉ thiếu kiến thức về khoa học xã hội nhân văn, tôi theo dõi nhiều quan chức hình như chỉ tập trung học môn toán, nhưng môn toán các vị cũng học lệch nốt”.
Lập tức, anh hay cãi vặc lại ngay: nãy ông nói người ta tập trung học các môn tự nhiên, không chú ý các kiến thức xã hội tôi chịu rồi, chứ giờ ông bảo học toán mà họ cũng học lệch thì tôi không chịu.
Nhấp một ngụm nước lấy giọng, anh ta nói tiếp: “Thì ông bình tĩnh nào, tôi sẽ nói để mọi người thấy đúng không nhé. Tôi không biết họ học hình học, lượng giác, vi phân, tích phân như thế nào, nhưng chỉ nhìn vào việc sử dụng 4 phép tính cơ bản đã thấy họ học lệch, hay nói đúng hơn là sử dụng lệch kinh khủng. Họ lấy mình làm chủ thể và sử dụng hai phép tính cộng và nhân để cái chủ thể ấy cứ to mãi lên. Về địa vị xã hội, họ tìm mọi cách để thăng quan, tiến chức thật nhanh. Không chỉ cho mình mà còn cho anh em, con cháu, họ hàng thành một tập hợp “cả nhà làm quan”. Về kinh tế thì họ tìm mọi cách để biến đất công thành đất tư, có người có hàng chục ngàn mét vuông để xây “biệt phủ”, thành “tư gia” mà báo chí đã đề cập... Tóm lại là, họ sử dụng tối đa cái phép cộng, phép nhân để “vinh thân, phì gia”. Nhưng họ lại rất ít sử dụng phép trừ và phép chia để tán bớt cái gọi là “lộc trời” thu được nhờ sử dụng hai cái phép cộng và nhân kia để có. Ông thấy đấy, làm từ thiện, nhường cơm sẻ áo, giúp người nghèo, nhân dân vùng bị thiên tai... toàn các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm... Có mấy quan chức, giàu “nứt đố, đổ vách” lại không bao giờ bỏ ra làm từ thiện.
Đến đây, mọi người đều thấy anh ta nói đúng. Anh hay cãi như trầm giọng xuống: Ông nói đúng thật, không những phải “nâng cao quan trí” mà nhiều quan chức bây giờ còn cần sửa việc “học lệch” nữa.
Đậu Chung Anh