Đầu hè, xuôi dòng sông Bùng hiền hoà về mảnh đất Phượng Lịch (xã Diễn Hoa), chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ của vợ chồng trăm tuổi là cụ Cao Viễn, sinh năm 1906 và cụ Vũ Thị Hai, sinh năm 1914.
Dù đã bước sang tuổi “bách niên giai lão” hiếm người có được, nhưng hai cụ vẫn còn minh mẫn. Đặc biệt cách nói chuyện của hai cụ thật hóm hỉnh, hồn nhiên khi kể về những ngày đầu lấy nhau.
Cả hai người đều sinh ra ở làng Phượng Lịch. Cuộc sống nhà nông thiếu thốn, vất vả nên ai cũng sớm quen với ruộng đồng. Trong kháng chiến chống Pháp, cụ Viễn tham gia du kích, rồi vào bộ đội. Cụ bị thương, về quê điều trị (ngày đó quân đội ta còn khó khăn, chưa có nhiều bệnh viện).
Những ngày về dưỡng bệnh, người thường xuyên đến chăm nom, chữa trị cho cụ Viễn chính là Vũ Thị Hai - người con gái xinh đẹp, hiền thục. Hai người mang lòng yêu mến nhau. Rồi qua vài lần hò hẹn, hai người đã dành trọn tình cảm cho nhau.
Hỏi về ngày đầu yêu nhau, cụ Viễn vừa nhoẻn miệng cười với vợ, vừa nói: “Yêu nhau đấy nhưng gặp nhau vẫn ngượng lắm. Thậm chí đến mãi sau này, tôi mới dám cầm tay bà ấy. Cưới rồi, thời gian đầu cũng chẳng dám ngủ chung giường...”.
Trải qua bao tháng năm vất vả, rời quân ngũ trở về địa phương, hai cụ cùng nhau xây dựng gia đình và sinh được 8 người con. Các con khôn lớn, trưởng thành, trai lấy vợ, gái gả chồng, hai cụ vẫn ở với nhau, chăm sóc nhau, thủy chung như ngày còn trẻ.
Nói về bí quyết để sống trường thọ, cụ Viễn nói: không có gì cả, chỉ khác bây giờ hầu như không có “mâm cao cỗ đầy” vì ngày xưa đói nghèo, thiếu thốn. Hai cụ ăn uống rất thanh đạm, mọi sinh hoạt, ăn, ngủ đều điều độ, nhưng tích cực vận động, làm việc và hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá là.
Chia sẻ về cách giữ gìn hạnh phúc gia đình của mình, cụ Hai tâm sự : “Suốt cuộc đời tôi gắn bó với ông ấy cũng có những lúc khó tránh được những mâu thuẫn nảy sinh. Nhưng là người phụ nữ, phải luôn biết cách ứng xử khéo léo, biết quan tâm động viên đúng lúc... Và nhất là phải thẳng thắn nói ra những điều chưa được để cùng nhau tìm cách sửa chữa. Cuộc sống có lúc này, lúc khác nhưng cái cốt yếu là phải tin tưởng, thông cảm và bỏ qua cho nhau thôi. Cũng bởi lẽ tinh thần thoải mái mà vợ chồng tôi chung sống được đến ngày hôm nay”.
Khi con cái đã yên bề gia thế, có cuộc sống ổn định, cả hai cụ lại chọn cuộc sống riêng tư nơi căn nhà cũ để không phải phiền đến con cháu. Ngày ngày, cụ bà chăm lo việc bếp núc, dọn dẹp nhà cửa; còn cụ ông cuốc đất trồng rau, chăm sóc vườn cây. Rồi những lúc rảnh rỗi, hai cụ cùng nhau đọc báo, ngâm thơ. Nhìn hai cụ sống hạnh phúc, chăm sóc lẫn nhau khiến cho nhiều người hết sức ngưỡng mộ.
Nhiều người trong làng Phượng Lịch cho rằng bí quyết sống thọ của hại cụ chính là cách nói chuyện hóm hỉnh, dí dỏm và đôi lúc pha trò tếu táo của cụ Viễn là liều thuốc tinh thần giúp họ vượt qua khó khăn, thử thách. Cũng bởi điều đó nên trong ngôi nhà nhỏ ấy lúc nào cũng rộn rã tiếng cười nói.
Chia tay hai cụ trong buổi trưa muộn, cụ Viễn cứ nhắc đi nhắc lại với chúng tôi sống là phải vui vẻ, lạc quan. Phải luôn giữ cho tâm hồn mình tươi trẻ, tránh những căng thẳng thần kinh và biết chia sẻ, quan tâm tới mọi người xung quanh. Cuộc sống dẫu có những lúc có khó khăn nhưng phải bình tĩnh để giải quyết... Cố gắng sống thật tốt, luôn quan tâm giúp đỡ người khác, làm việc hợp với lẽ đời để tạo phúc cho chính mình và con cháu về sau.
Năm 2014, vợ chồng cụ Viễn được tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận là cặp vợ chồng lớn tuổi nhất châu Á.
Bây giờ, nhiều cặp đôi trẻ trong vùng thường tìm đến để được nghe hai cụ răn dạy những điều hay lẽ phải. Đặc biệt, mỗi khi trong làng có đám cưới, các cặp đôi lại mời hai cụ đến chúc phúc để được sống đến “đầu bạc răng long”. Chính cách cư xử và lối sống vui vẻ thân thiện mà vợ chồng cụ Viễn được các thế hệ trẻ học tập, noi gương.
Bài và ảnh: Thuỷ Lợi