Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, lại từng tận mắt chứng kiến cảnh làng mạc bị giặc tàn phá; đồng bào bị giết, nhà cửa bị đốt trong những năm đất nước còn chiến tranh, Nguyễn Văn Tố luôn canh cánh trong lòng muốn làm được việc gì đó giúp đỡ những gia đình chính sách, những người nghèo... Chính vì thế mà ngay từ khi còn là sinh viên của Trường đại học Kinh tế T.P Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Tố đã được cả trường biết đến về lòng hiếu nghĩa và tinh thần “mình vì mọi người” với những chuyến đi làm từ thiện trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Nhưng cũng chính từ những chuyến đi làm từ thiện ấy, Nguyễn Văn Tố còn day dứt một điều, là hiệu quả của làm từ thiện chưa bền vững, thậm chí cá biệt còn tạo nên tâm lý ỷ lại thoát nghèo của người nghèo.
Ngay như những năm đầu nghỉ hưu, đi làm từ thiện ông đã cùng BCH Hội vận động được gần 5 tỷ đồng (riêng ông vận động 3 tỷ đồng) gửi về quê hương giúp đỡ các gia đình chính sách và các hộ nghèo xây nhà "Đại đoàn kết"; tổ chức bếp ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Nam, nhưng đúng là “cứ như muối bỏ bể”. Năm trước về chứng kiến đồng bào nghèo, năm sau về vẫn thấy nghèo như năm ngoái.
Chính vì thế, kể từ tháng 9-2015, được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội Đồng hương của huyện Đại Lộc, CCB Nguyễn Văn Tố đã dành thời gian về quê “cùng ăn, cùng ở” với đồng bào nghèo để khảo sát, nghiên cứu tìm hướng thoát nghèo bền vững cho đồng bào. Và ông thấy ở địa hình “bán sơn địa” quê ông thì việc tạo điều kiện cho bà con nghèo nuôi bò sinh sản là khả thi nhất.
Có tới hàng chục lần ông về quê gặp bà con, nghe bà con nói; rồi gặp chính quyền, các ngành chức năng, đoàn thể quần chúng, các nhà khoa học, nhất là những hộ dân có kinh nghiệm nuôi bò... để có cơ sở xây dựng dự án. Và ông cùng BCH Hội quyết định mời UBMTTQ Việt Nam huyện Đại Lộc phối hợp cùng tham gia vận động các nhà tài trợ và bà con đồng hương ủng hộ kinh phí mua bò giống tặng các gia đình chính sách và đồng bào nghèo.
Dự án được xây dựng khá chi tiết, từ việc lập ra mục tiêu của Dự án đến thành lập Ban quản lý Dự án phân cấp đến cơ sở; từ việc đi khảo sát các hộ nghèo, chi tiền trước cho bà con làm chuồng trại, mua cỏ, đến tập huấn cách trồng cỏ, làm chuồng trại, chọn giống bò, chăm sóc thú y, phòng chống lũ… đều được thực hiện xong trước khi nhận bò.
Thấy đây Dự án mang tính xã hội thiết thực, cụ thể, nên ngay khi Dự án được triển khai đã có hàng chục tổ chức, cá nhân ủng hộ, số tiền lên tới 410 triệu đồng. Tiêu biểu như các doanh nghiệp huyện Nhà Bè 200 triệu đồng, Công ty Cơ khí Đại Lộc 100 triệu đồng, Công ty Lưu Nguyễn 60 triệu đồng, ông Nguyễn Văn Tố 20 triệu đồng, ông Nguyễn Văn Lưu 20 triệu đồng...
Với số tiền trên, Ban Quản lý Dự án đã mua được 21 con bò tặng cho 21 hộ nghèo thuộc các xã Đại An, Đại Cường, Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Tân.
Do trước khi nhận bò đã trồng cỏ; được hướng dẫn cách chăm sóc, chữa bệnh và làm chuồng trại đúng tiêu chuẩn khô ráo, sạch sẽ, nên 21 con bò đều khỏe mạnh, lơn nhanh như thổi.
Phát huy kết quả đợt đầu, năm 2017 CCB Nguyễn Văn Tố cùng BCH Hội tiếp tục đi vận động các nhà hảo tâm tham gia, đóng góp được 675 triệu đồng, mua 32 con bò tặng tiếp cho 32 gia đình nghèo thuộc các xã Đại An, Đại Cường, Đại Thắng, Đại Sơn, Đại Hồng, Hại Hòa.
Ông Tố cho biết: Dự kiến đến năm 2020 toàn huyện Đại Lộc sẽ có 150 gia đình nghèo được nhận bò giống. Sau đó đàn bò sẽ sinh sản, tiếp tục nhân rộng để 100% các hộ nghèo của huyện Đại Lộc được tặng bò, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn hộ nghèo trong huyện từ nuôi bò giống.
CCB Nguyễn Văn Tố - người sáng lập và đi đầu vận động kinh phí cho Dự án mua bò giống tặng đồng bào nghèo huyện Đại Lộc thật xứng đáng là CCB gương mẫu và là người con ưu tú của quê hương Quảng Nam Anh hùng.
Bài và ảnh: Trịnh Duy Sơn