Những ngày đầu xuân năm Quý Mão - 2023, chúng tôi được gặp và trò chuyện với hai cựu nữ chiến sĩ cách mạng là bà Huỳnh Thị Rành (thường gọi là bà Hai Rành, 60 năm tuổi Đảng) và bà Phạm Thị Tư (thường gọi là bà Tám Sang, 50 năm tuổi Đảng) ở thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Cả hai bà tóc đã bạc trắng, đi lại khó khăn, nhưng tinh thần, trí tuệ vẫn tinh anh.
Sinh năm 1938, bà Hai Rành tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi. Từ là Đội trưởng thiếu nhi xã Hoà Hội, rồi làm giao liên của huyện Châu Thành, sau đó hoạt động trong cơ sở mật tuyên truyền chống bắt lính. Năm 1960, bà được phân công làm Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Hoà Hội rồi được kết nạp Đảng và điều động về làm Hội trưởng Hội Phụ nữ huyện Châu Thành.
Năm 1963, bà Hai Rành bị địch bắt và giam cầm tại khám đường Tây Ninh. Được thả tự do, bà tiếp tục về làm Hội trưởng Hội Phụ nữ huyện. Sau giải phóng miền Nam 30-4-1975, bà là Trưởng phòng LĐTBXH huyện Châu Thành, rồi Phó chủ tịch UBMTTQ huyện. Bà vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba và nhiều Bằng khen, Giấy khen.
Năm 1988 được nghỉ hưu, bà tham gia Hội thẩm nhân dân, Phó ban liên lạc hưu trí huyện Châu Thành. Đến năm 2011, bà được bầu làm Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến huyện Châu Thành. Trong công tác, bà Hai Rành luôn xông xáo, “miệng nói, tay làm”, bất cứ công việc gì đều tiên phong gương mẫu, giữ vững gương sáng trước sau như một”. Các năm 2011, 2013, 2020, Hội Người tù kháng chiến huyện Châu Thành được nhận Cờ dẫn đầu phong trào thi đua do UBND tỉnh trao tặng.
Chồng của bà Hai Rảnh là ông Nguyễn Trung Cang - nguyên Chủ tịch Hội CCB huyện Châu Thành (mất năm 2019). Khi còn công tác, ông bà luôn chia sẻ, động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ông bà sinh được 5 người con, đều phấn đấu phát triển. Hiện nay, gia đình bà Hai có 9 đảng viên, anh chị em, con, cháu luôn nhắc nhau soi vào tấm gương của bà để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Còn bà Phạm Thị Tư sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng thuộc xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, T.P Hồ Chí Minh. Năm 1947, khi mới 13 tuổi bà Tư được giao làm Đội trưởng đội Thiếu niên, kiêm giao liên của Hội Phụ nữ xã. Năm 1951, bà Tư bị địch bắt, năm 1953 bà được thả tự do và tiếp tục làm công tác Hội Phụ nữ. Trong quá trình hoạt động cách mạng, bà kết hôn với ông Nguyễn Thanh Sang, công tác tại Ban an ninh Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Năm 1962, vợ chồng bà Tư cùng về công tác tại Tây Ninh. Tháng 3-1972, bà vinh dự được kết nạp vào Đảng. Bà Tư kể: “Tôi nhớ như in ngày 5-3-1972, hướng về Quốc kỳ và Đảng kỳ hát vang bài hát Quốc tế ca. Xúc động lắm! tôi cảm thấy mình lớn thêm lên, rất vinh dự, tự hào nhưng cũng nhận thức rõ hơn trách nhiệm của một người đảng viên”. Bà Tư được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì; Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ và nhiều Bằng khen, Giấy khen các cấp, các ngành.
Năm 1989, về nghỉ hưu, bà Tư được bầu làm Bí thư Chi bộ khu phố, rồi làm Chủ tịch Hội Người tù Kháng chiến thị trấn Châu Thành, kiêm Tổ trưởng tổ phụ nữ hưu trí huyện Châu Thành cho đến nay.
Hội Người tù kháng chiến thị trấn Châu Thành chỉ có 14 hội viên, nhưng bà Tư dành hết tâm huyết để Hội hoạt động hiệu quả. Bà cùng với chồng tranh thủ thời gian đi vận động “mạnh thường quân” trong và ngoài tỉnh để có chi phí hoạt động. Riêng năm 2019, bà Tư huy động được 90 triệu đồng để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên. Hội nhiều năm liền là đơn vị dẫn đầu của huyện.
Đồng chí Vũ Quốc Xuân - Bí thư Chi bộ khu phố 1, thị trấn Châu Thành cho biết: Dù được miễn sinh hoạt Đảng, nhưng chỉ những lúc bị bệnh, bà mới nghỉ, còn lại bà Tư vẫn đến tham gia sinh hoạt Chi bộ và đóng góp nhiều ý kiến quý báu với Chi uỷ, Chi bộ. Bà Tư tâm sự: “Đã là người đảng viên thì phải thể hiện được vai trò tiên phong, gương mẫu, chủ động đón nhận những việc khó về mình. Còn sức khoẻ tôi còn cống hiến”.
Thanh Hà