Giải ngân đầu tư công vẫn còn đang rất ì ạch, mặc dù hơn 2 năm qua cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để tháo gỡ.  

Thậm chí cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ phải cử 6 Tổ công tác do các Phó thủ tướng và một số Bộ trưởng trực tiếp làm Tổ trưởng đi kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công ở các Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình.

Tất nhiên là có nguyên nhân khách quan của sau đại dịch và xung đột quân sự ở một số nước trên thế giới, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chính - thiếu tinh thần, thiếu trách nhiệm ở một bộ phận cán bộ, công chức.

Nhưng tại sao trước đây vẫn ngành đó, cán bộ đó thì đầu tư công không những được giải ngân nhanh mà còn có tình trạng “chạy” để có đầu tư công. Lý do là do cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của Đảng ta hiện đang được thực hiện rất quyết liệt với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ... Cũng có người cho là do cán bộ sợ sai, sợ chịu trách nhiệm. Nhưng nhiều người lại cho là, trước đây giải ngân đầu tư công được “phết phẩy” nên hăng hái, nay đang siết chặt lại, những cán bộ quen hưởng “phần trăm” không còn hào hứng nữa, dẫn đến đùn đẩy, né tránh, chứ không hẳn, là “không dám nghĩ, không dám làm”.

Phải chăng, trước đây do sơ hở trong đầu tư công để một bộ phận cán bộ, công chức lợi dụng, rút tiền của công làm giàu cho bản thân, hậu quả, vừa biến họ thành “quan cách mạng”, vừa làm cho nền kinh tế đất nước phát triển không lành mạnh, thậm chí gây hoang mang, giao động, bất bình trong nhân dân...?

Để trị “căn bệnh” chậm giải ngân, nhiều ý kiến cho rằng phải cần một “toa thuốc mạnh”, như đề xuất của chuyên gia kinh tế - PGS. TS. Ngô Trí Long, là:  “Cần có chế tài xử phạt nghiêm những cá nhân, tổ chức gây đình trệ, chậm giải ngân”.

Nhìn rộng ra, “toa thuốc mạnh” đó chính là toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải đoàn kết, đồng lòng, đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí để lập lại trật tự xã hội, trong đó có lĩnh vực đầu tư công. Mặt khác, cán bộ chủ trì các cấp, các ngành cũng không nên “an phận thủ thường”, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm.

Huy Thiêm