Đó là nhấn mạnh trong diễn văn do Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt Đảng, Nhà nước, Chính phủ đọc tại Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - phần đề cập đến công tác xây dựng Đảng.

Xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt của then chốt” đã được Đảng ta đưa vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Và ngay từ ngày đầu của chính quyền Xô viết, Lênin cũng đã từng nói: Nghiên cứu con người, tìm những cán bộ có bản lĩnh, đó là then chốt; nếu không thì tất cả mọi mệnh lệnh và quyết định sẽ chỉ là mớ giấy lộn. Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh thì nói: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém...

Điều đó càng cho thấy việc chọn người lãnh đạo nói chung, công tác cán bộ nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì nó liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ. Lựa chọn đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ chung của tổ chức Đảng - nhưng “nhiệm vụ của nhiệm vụ quan trọng” này chính là đội ngũ những người tham mưu cho Đảng về công tác cán bộ.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng công tác cán bộ của Đảng ta trong những năm gần đây chưa được làm tốt, nếu như không muốn nói là còn sơ hở, chính vì thế mới dẫn đến tình trạng không ít cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao bị kỷ luật Đảng; thậm chí vi phạm pháp luật, bị khởi tố, bắt giam...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cán bộ yếu kém, trong đó có do “cán bộ ngại học, lười học lý luận chính trị, học đối phó, học để lấy bằng cấp, học để quy hoạch, học để bổ nhiệm”, như phát biểu của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện CTQG Hồ Chí Minh, ngày 9-5, tại Hội nghị về công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị, đã chỉ ra.

Nguồn cán bộ chiến lược mà lại “ngại học, học đối phó” thì là khó của khó! Tìm ra những nguyên nhân căn cốt dẫn đến “lọt” cán bộ để khắc phục, là việc làm cần thiết của cần thiết - tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Huy Thiêm