Nhiều đài, báo trong cả nước mấy ngày qua lại khuyến khích chuyện Trường THPT Bùi Thị Xuân, T.P Hồ Chí Minh thay đổi hình thức phạt học sinh, khi phạm lỗi, thay vì viết bản kiểm điểm, lao động công ích, học sinh vi phạm sẽ phải đọc một cuốn sách trong tủ sách mà nhà trường đưa ra và viết cảm nhận về cuốn sách đó.

Đây là một hình thức phạt cũng là lạ ở Trường THPT Bùi Thị Xuân, nên có thể mới đầu được học sinh và phụ huynh cho rằng hay(!). Ví dụ như em Q.A., học sinh lớp 11 của trường, là một trong số những học sinh thực hiện cách phạt mới đó, cho rằng trước đây thường khi vi phạm em và các bạn sẽ phải thực hiện lao động công ích như quét dọn nhà vệ sinh, lau nhà và em cảm thấy không thích hình phạt đó!

Tuy nhiên, nếu điển hình hóa một cách phạt cụ thể trên thành phong trào và  áp dụng với tất cả các học sinh chắc là không ổn. Đó là chưa nói phạt là phạt. Phạt ngược lại với biểu dương, khen thưởng. Nếu phạt để người bị phạt thích được phạt thì tác dụng ngược lại.

Điều cần bàn nữa là cả xã hội nói chung, Ngành Giáo dục nước ta nói riêng đang nỗ lực lấy lại tinh thần đọc sách, thói quen đọc sách, phương pháp học tập từ sách đã và đang bị “cơn lốc” mặt trái của công nghệ 4.0 nhấn chìm, thì “đùng một cái” Trường THPT Bùi Thị Xuân lại chọn hình thức đọc sách để phạt học sinh mắc lỗi! Thế mà ‘tung hô”, bảo cách phạt đó nhân văn thì lạ thật!

Cũng không nhất thiết bắt tất cả học sinh vi phạm kỷ luật phải tham gia lao động công ích, nhất là “bắt” theo kiểu “khổ sai”, nhưng chắc chắn cũng không thể, nếu như không muốn nói là không nên phạt bằng hình thức cho đọc - viết cảm tưởng về một bài văn, một cuốn sách...

Hãy đổi mới. Hãy sáng tạo. Nhưng đổi mới, sáng tạo phải trên cơ sở nhà trường, nhất là các thầy, cô giáo trực tiếp dạy học sinh phải hiểu thấu đáo học sinh của mình để vận dụng thì “khen, chê” mới hiệu quả.

Đúng như Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hoà An, nói đại ý: Hình phạt, chung quy lại vẫn là để cho học sinh nhận thức được hành vi không đúng của mình, từ đó thay đổi theo hướng tích cực.

Huy Thiêm