Cán bộ điểm giao dịch Ngân hàng CSXH tại xã Tuy Lộc, T.P Yên Bái trao tiền cho người dân, để khôi phục sản xuất sau bão lũ.

Ngày 26-9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Chỉ thị 04 yêu cầu các tổ chức tín dụng khẩn trương chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch tại 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng của bão để triển khai kịp thời, khẩn trương nhất các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Hỗ trợ phải công khai, minh bạch

Thống kê sơ bộ đến thời điểm hiện tại, toàn ngành ngân hàng có khoảng 83.400 khách hàng chịu thiệt hại do bão số 3 với 116.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng. Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, con số này có thể chưa dừng lại. Dự kiến, số lượng khách hàng và dư nợ bị ảnh hưởng sẽ còn gia tăng trong những ngày tới do các tổ chức tín dụng và NHNN chi nhánh đang tiếp tục thống kê và cập nhật số liệu.

Các địa phương có dư nợ thiệt hại lớn bao gồm: Yên Bái, chiếm 18,55% tổng dư nợ trên địa bàn, Hải Phòng chiếm 10,65%, Quảng Ninh chiếm 7%, Hải Dương chiếm 8,64%... Các địa phương đều kiến nghị cần có chính sách khoanh nợ, giãn nợ cho các hộ dân trồng rừng, nuôi trồng thủy sản bị mất trắng sau bão với thủ tục, hướng dẫn cụ thể. Còn với các hộ vay mới, hiện không còn tài sản thế chấp, ngân hàng cần hướng dẫn thủ tục, phương án cho vay cụ thể.

Đến nay, đã có 32/40 ngân hàng đăng ký gói tín dụng mới theo chỉ đạo của Thủ tướng với tổng số 405.000 tỷ đồng có mức lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5 - 2%. “Có ngân hàng giảm đến 50% lãi hiện tại tùy theo mức độ thiệt hại, chủ động giảm không chờ khách đề nghị. Thời gian hỗ trợ kéo dài đến hết năm, có đơn vị sang cả đầu năm sau" - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá.

Ngành ngân hàng phải chia sẻ tích cực bằng chính nguồn lực của các ngân hàng thương mại. Lãnh đạo NHNN nhấn mạnh quan điểm: "Trong lúc khó khăn, các ngân hàng càng phải thể hiện tinh thần trách nhiệm, nói thật làm thật, công khai, minh bạch, tránh tình trạng vay ưu đãi chỉ thấy trên tivi”. Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với 13 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân chiều 21/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị các ngân hàng có giải pháp hợp lý về tín dụng, lãi suất với tinh thần "cùng làm, cùng hưởng, không ai bị bỏ lại phía sau".

Cơ cấu nợ, khoanh nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng của bão số 3

Thống đốc NHNN Việt Nam vừa ký ban hành Chỉ thị số 04/CT-NHNN về các giải pháp của ngành ngân hàng nhằm góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của cơn bão số 3, khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế. Theo đó, các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay cho vay khách hàng theo quy định pháp luật hiện hành; thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, khoanh nợ, cho vay mới đối với khách hàng thuộc đối tượng theo quy định.

Thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay cho vay khách hàng theo quy định pháp luật hiện hành; thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, khoanh nợ, cho vay mới đối với khách hàng thuộc đối tượng theo quy định; chủ động báo cáo NHNN chi nhánh trên địa bàn để báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các tổ chức, cá nhân liên quan hoàn thiện hồ sơ, trình tự, thủ tục khoanh nợ theo quy định.

Thống đốc cũng yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện xử lý nợ bị rủi ro cho khách hàng vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Đồng thời, Chỉ thị cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp hướng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; xây dựng các chương trình, các gói tín dụng mới với lãi suất phù hợp, tiếp tục cho vay mới theo quy định hiện hành trên tinh thần cải cách thủ tục hành chính, cắt bỏ phiền hà, khẩn trương xét duyệt cho vay mới và tạo điệu kiện thuận lợi, dễ dàng cho người vay nhất là vấn đề tài sản bảo đảm, hạn mức tín dụng nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh sau bão. "Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc đối với an toàn của tổ chức tín dụng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách", Chỉ thị nhấn mạnh.

Ngoài ra, Thống đốc cũng đề nghị các tổ chức tín dụng kịp thời thông tin về các chính sách, giải pháp của NHNN và ngân hàng mình; chủ động xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh theo quy định; kịp thời đề xuất báo cáo Thống đốc NHNN, cơ quan chức năng những vấn đề vượt thẩm quyền. Các tổ chức Hiệp hội trong ngành ngân hàng tiếp tục phát huy vai trò kết nối các tổ chức tín dụng, tạo sự đồng thuận, thống nhất giữa các ngân hàng thành viên trong triển khai các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam cho rằng, việc cần làm ngay lúc này là cứu trợ khẩn cấp cho người dân bị ảnh hưởng, nỗ lực tái thiết, hỗ trợ sản xuất kinh doanh phục hồi sau bão. Với các doanh nghiệp, Chính phủ đã có chỉ đạo NHNN để thông qua hệ thống ngân hàng, giúp doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn tài chính cho phục hồi. Tuy nhiên, bản thân lĩnh vực ngân hàng cũng chịu thiệt hại từ rủi ro của khách hàng, cần đảm bảo an toàn hệ thống, nên không dễ để tìm được cơ chế hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp. Theo đó, cơ chế phục hồi tốt nhất là dựa vào bảo hiểm, và các nguồn hỗ trợ từ ngân sách.

Võ Hóa