Binh sĩ và cảnh sát Hy Lạp tìm cách ngăn chặn người di cư vượt biên trái phép.

Trong hơi cay và bom mù mịt, hàng vạn người di cư đụng độ với các lực lượng an ninh của Hy Lạp nhằm tìm cách “chọc thủng biên giới” Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp để sang châu Âu tìm một tương lai nơi miền đất hứa.

Đó là cảnh tượng diễn ra suốt tuần qua và không có dấu hiệu suy giảm. Lực lượng cảnh sát Hy Lạp giải quyết tình hình bằng cách bắn đạn hơi cay về đám đông và đã có nhiều người bị thương trong các vụ đụng độ. Cảnh sát phải dùng vòi rồng để dập tắt các đám lửa sáng rực dọc biên giới trong đêm 7-3 nhưng số người di cư đổ về đây vẫn ngày càng tăng…

Vì đâu nên nỗi? Tình trạng hỗn loạn và đụng độ ở khu vực biên giới giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ bùng phát sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - Recep Tayyip Erdogan ngày 28-2 tuyên bố mở cửa biên giới cho người di cư tìm cách đến châu Âu thay vì tiếp tục giữ những người này ở lại để đổi lấy khoản viện trợ tài chính từ Liên minh châu Âu (EU) theo thỏa thuận đạt được năm 2016. Thổ Nhĩ Kỳ lập luận rằng, nước này không còn đủ khả năng chứa hàng trăm nghìn người di cư, đặc biệt khi ngày càng có nhiều người tị nạn từ Syria chạy sang.

Với quyết định trên, Ankara đã đẩy quả bóng trách nhiệm với người di cư sang Athen. Thế nhưng, Thủ tướng Hy Lạp - Kyriakos Mitsotakis cho rằng quyết định của Ankara chẳng khác nào hành động “bật đèn xanh” cho dòng người di cư tràn vào Hy Lạp cũng như châu Âu. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN, ông Kyriakos Mitsotakis cũng chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm thỏa thuận về kìm hãm dòng người di cư năm 2016 và tuyên bố thỏa thuận này không còn hiệu lực. Ông nói: “Hãy nghiêm túc nhìn nhận, giờ đây, thỏa thuận đó đã chết. Nó không còn hoạt động vì Thổ Nhĩ Kỳ quyết định vi phạm hoàn toàn thỏa thuận, vì những gì diễn ra ở Syria. Hy Lạp không phải là nước làm gia tăng căng thẳng tình hình hiện nay, chúng tôi có quyền bảo vệ chủ quyền ở các khu vực biên giới”.

Nếu hình dung vấn đề người di cư ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp như một pha lên bóng thì Thổ Nhĩ Kỳ đang là tiền đạo cầm bóng sút về phía khung thành châu Âu trong khi Hy Lạp là hậu vệ. Nếu Hy Lạp thất thủ biên giới, khoảng 40.000 người di cư sẽ tràn sang các nước châu Âu, đẩy khu vực này vào kịch bản thảm họa người di cư như đã từng xảy ra năm 2015.

Để tránh bị thủng lưới do cú sút mang tên “người di cư” của Thổ Nhĩ Kỳ, châu Âu đã hành động bằng thỏa thuận về kìm hãm dòng người di cư năm 2016 và nhận cung cấp hàng trăm triệu USD cho Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy vậy, thỏa thuận vẫn bị phá vỡ khi gần đây phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng khẳng định thỏa thuận nói trên không còn hiệu lực vì nước này chẳng nhận được sự hỗ trợ tài chính như EU đã hứa.

Như vậy, trục trặc hóa ra là tiền. Liên minh châu Âu (EU), “chủ của miền đất hứa”, đã thất hứa với Thổ Nhĩ Kỳ khi nước này đã tiếp nhận khoảng 3,6 triệu người di cư. Để tránh xảy ra một thảm họa với mình, EU lại cam kết bơm hàng trăm triệu USD cho cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, nhưng Ankara vẫn chưa hồi đáp về đề xuất này.

Dù EU, Thổ Nhĩ Kỳ hay Hy Lạp có quyết định và hành động thế nào đi nữa thì cũng nên nghĩ tới nơi phát bóng - cái gốc của vấn đề dòng người di cư. Nơi phát bóng chẳng phải đâu xa lại mà chính là các cuộc chiến kéo dài triền miên ở Syria và Trung Đông khiến người dân phải rời bỏ nhà cửa đi tị nạn và tìm một phương trời mới. Như vậy, trận đấu “dòng người di cư” chỉ mãn nhãn khi có hòa bình cho Syria và ổn định cho Trung Đông. EU, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước khác tham gia vào trận bóng này. Họ biết khi nào nên dừng lại.

Ngọc Hưng