Hình như thiên nhiên tháng ba có ngày dành  riêng cho mẹ cũng trải bao nỗi niềm giao cảm với con người với bao ân tình chia sẽ. Thiên nhiên đã bù đắp lại thiết tha ân cần để đến cái rét của tháng ba (tức tháng 2 âm lịch) cũng là “rét lộc”: “Tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc, tháng ba rét nàng Bân”. Cái lộc cây, lộc xuân đâm chồi trong rét nhưng mà rét lộc để sinh sối nảy nở dâng hiến. Và nắng tháng ba dân gian gọi là “nắng non”. Nắng có gì ảo ảnh trong suốt mơ màng, nắng như lụa là mỏng manh mà tinh khiết.

Tháng ba lúa chưa trổ bông, tháng ba ngày giáp hạt. Tháng ba trong nước, con cá xót mắt: “Tháng ba trong nước em ơi/ Bớt cơm anh lại mà nuôi mẹ già”. Hoa xoan tháng ba tím thủy chung đã đành nhưng lại còn có tên gọi là hoa sầu đông - cái tên như gửi gắm bao nỗi niềm thân phận. Tháng ba có hai loài hoa gạo và bưởi, có hai màu hoa đỏ và trắng như là chứng nhân trong nỗi niềm của mẹ. Tháng ba giáp hạt thiếu gạo mà hoa gạo thì đỏ tưng bừng, gạo (cây) không làm ra hạt gạo thì thắp lên ngọn lửa sưởi ấm lòng người. Hoa gạo cũng lạ, không héo không tàn mà nở rộ vài ba ngày rồi rụng. Rụng từng chùm, rụng chấp chới rụng mà vẫn còn lưu luyến ngời lên sắc lửa ấm nồng. Hoa gạo rụng xuống bờ đê, rụng xuống mái tóc thề của người con gái đang yêu, hoa gạo nói hộ lòng người khấp khởi. Hoa gạo rơi xuống mái đình rêu phong cổ kính như những nốt son tô lại, thắm lại quá khứ đã qua với bao hoài vọng, hoài niệm thiết tha. Hoa gạo mọc ở đầu làng như ngọn đuốc chào đón những người đi xa trở về với tâm trạng: “Hoa gạo rơi trong nỗi nhớ nhà”. Nhìn sắc thắm hoa gạo bầm đỏ ta lại nhớ miếng trầu của bà, của mẹ - miếng trầu đỏ thắm, vị vôi trắng, vị lá trầu xanh, vị cau nồng đượm. Đó là niềm vui niềm giao đãi thường ngày để mẹ khuây đi bao nỗi vất vả ruộng đồng để câu chuyện với hàng xóm láng giềng thêm đậm đà.

Hoa bưởi, hương bưởi tháng ba như cũng muốn dành riêng cho mẹ bởi đêm thật khuya, thật vắng hương bưởi mới lan tỏa và vương vấn hơn. Những cánh hoa thật trong suốt, nhụy hoa e ấp màu vàng rồi bung nở: “Ôi từ không đến có/ Xảy ra như thế nào” (Xuân  Diệu). Ông hoàng thơ tình đã từng  ngẩn ngơ trước vẻ đẹp thầm kín kỳ diệu của thiên nhiên cây trái cũng như vẻ đẹp của phái nữ mà ông từng khao khát rạo rực yêu thương mà như chưa bao giờ được với tới đã phát hiện ra điều tinh tế ấy. Bởi thế có lần ông thảng thốt: “Hoa bưởi thơm rồi đêm đã khuya” cái màu đã định vị thời gian - thời gian tâm lý. Và “Hương thầm” của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn cũng thành biểu tượng của tình yêu vừa nồng nàn e lệ kín đào mà thiết tha say đắm thủy chung. Cứ dịu nhẹ, cứ vấn vương mà trải hết lòng mình, dâng hiến hết mình...

Có lẽ tháng ba là tháng hết mình. Vừa hết mình sau những ngày lễ tết   với chộn rộn bao công việc bộn bề bếp núc, mua sắm. Người phụ nữ gắn liền   với cái bếp với ngọn lửa “đàn bà xây tổ ấm”. Một tay vun vén cả năm dồn lại tất bật, ngày tết lại tất bật hơn nhưg vui cái niềm vui khấp khởi vẹn nguyên khi được hưởng thành quả công việc của mình chăm lo của mình qua ánh mắt nụ cười niềm vui của người khác với bữa cơm ngon, bát canh ngọt. “Tháng giêng là tháng ăn chơi”, cái ngày được hưởng chút thong thả ấy, tháng ba lại dắt mẹ lên chùa với màu áo nâu  sồng của ruộng, của đồng để lần tràng hạt như lần chuổi thời gian luân hồi: Của mưa, của nắng, của cày, của bừa, của sớm, của khuya... Tay mẹ lần hiện hữu những đối xứng chênh lệch ít khi cao thấp, ít khi nhỏ to mà luôn ám ảnh về thừa thiếu, dày mỏng, chắc lép. Mẹ luôn tâm niệm ăn chắc, mặc bền. Và với mẹ chữ vừa là vừa vặn nhất là hợp lẽ nhất, thiết yếu nhất. Mẹ vừa với tháng ba ra chợ cũng bán mua đặt lên đặt xuống lần hồi hầu bao những đồng tiền chẵn lẻ. Mẹ vừa ra vườn trồng thêm luống rau nhưng cũng không quên bón thêm khóm sả, khóm mùi, khóm ngãi cứu, khóm tía tô,... những thuốc, những rau dân gian để xua đi cơn sốt, cảm lạnh mà một đời nắng mưa đã ngấm vào người mẹ đến bây giờ chưa tan.

Ôi tháng ba của mẹ, để bước sang ranh giới “Tháng ba rét nàng Bân” để đan từng từng mũi kim dệt từng sợi nắng rút ngắn lại bao nhớ nhung. Nàng Bân là cái rét cuối cùng trong năm như một tiếng thở dài ngậm ngùi nhưng không nản lòng, không xa cách. Và ta cứ ao ước không chỉ có tháng ba dành riêng cho mẹ, cho ba, cho chị, cho em mà tháng nào ngày nào trong năm lòng ta cũng dâng lên bao nỗi niềm chia sẽ ân tình biết ơn như thế...

Hà Tĩnh, ngày 27-2-2020

Nguyễn Ngọc Phú