Duy Tường
Năm trước, cả nước tưng bừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Giờ đây, từ Bắc chí Nam đang diễn ra rất nhiều hoạt động mừng 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học diễn ra với các cấp độ khác nhau, lĩnh vực khác nhau. Độ lùi thời gian cùng với nhãn quan và tư duy mới, sử liệu mới... giúp chúng ta-đặc biệt là giới sử học, các chuyên gia quân sự tiếp cận gần hơn sự thật lịch sử, thấy đầy đủ hơn tầm vóc lớn lao, ý nghĩa sâu sắc những võ công oanh liệt của Dân tộc.
Trước đây, trong một lần bàn về công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử quận sự, Đại tướng Hoàng Văn Thái-Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (khi đó) có nói: Lịch sử-đúng hơn là sự thật lịch sử chỉ diễn ra một lần, nhưng việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử phải tiến hành nhiều lần mới có thể phản ánh đúng sự thật lịch sử.
Hơn mọi điều, những công trình nghiên cứu, những tập hồi ức, tự truyện, những kỷ niệm sâu sắc một thời trận mạc... của các tướng lĩnh, của cán bộ, chiến sĩ ta - những người đã từng đối mặt với bom đạn, hi sinh... những người đã góp phần làm nên lịch sử các cuộc chiến tranh thần thánh. là tư liệu vô giá giúp cho hậu thế tiếp cận sự thật lịch sử những cuộc chiến tranh đó; để mà tự hào với cha ông mình, để mà biến sức mạnh của chiến tranh giải phóng thành sức mạnh của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Là người từng tham gia biên soạn một số công trình lịch sử, được may mắn thể hiện một số cuốn hối ký của các tướng lĩnh, chính khách, lại nhiều năm làm công tác biên tập xuất bản sách, tôi thấy được sự tâm huyết, nỗi đau đáu của các tướng lĩnh, sĩ quan ta về sự trung thực, tính chân thực của lịch sử; ai cũng lo lắng có thể bản thân vì thời gian, tuổi tác... dẫn tới sai sót khi lục tìm trong ký ức những kỷ niệm của một thời trận mạc; nhiều người còn cảnh giác với cái "tôi" trỗi dậy dễ làm cho lịch sử mất đi tính xác thực, khách quan.
Sự thật lịch sử là khách quan, nhưng viết sử và đặc biệt viết tự truyện là công việc của con người, mang đậm dấu ấn chủ quan. Khi đó, chuyện sai sót là khó tránh. Có điều, sai sót đó là do vô thức (năng lực chuyên môn, thiếu thông tin, trí nhớ hạn chế...), hay do chủ định, để cái "tôi" trỗi dậy quá đà làm sai lệch, méo mó lịch sử, mới là điều nên bàn.
Gần đây, khi tìm hiểu thêm về Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, tôi có gặp trên một vài trang báo, bài viết có một số sai sót. Ví như: Không ít người viết chiến dịch Huế-Đà Nẵng, trong khi từ năm 2003, Ban Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, đã từ thực tiễn lịch sử chia thành hai chiến dịch: Chiến dịch Trị-Thiên (từ ngày 5 đến 26-3-1975) và chiến dịch Đà Nẵng (từ ngày 26 đến 29-3-1975). Hay như trong một bài viết về Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh-nguyên Phó chủ tịch Quốc hội, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 2 (trên một số báo N, vào trung tuần tháng 3-2015), có nêu một tình tiết không chính xác. Bài báo viết: Trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đồng chí Nguyễn Phúc Thanh là Tư lệnh Quân đoàn 2, chỉ huy Quân đoàn tham gia giải phóng Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc Lập.
Tôi tin rằng đồng chí Nguyễn Phúc Thanh không bao giờ cung cấp cho người viết những thông tin quá sai sót đó; bởi thực tế, tháng 4-1975, ông mới là Tham mưu phó Sư đoàn 324, phải 14 năm sau (tháng 5-1988), mới giữ chức Tư lệnh Quân đoàn 2. Người ta có thể nhầm lần một vài chi tiết nhỏ, chứ không thể nhầm lẫn một chuyện động trời như vậy. Sai sót, nhầm lẫn như hai dẫn dụ trên là do thiếu thông tin, hay thông tin thiếu kiểm chứng, ngoài việc làm sai lệch lịch sử, còn gây những hiểu nhầm không đáng có đối với nhân vật được đề cập. Tôi tin rằng, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 2, hoặc những người am hiểu lịch sử Quân đoàn và đồng chí Nguyễn Phúc Thanh sẽ không chấp nhận sự sai sót này.
Nhưng điều mà nhiều người quan ngại, và lại có vẻ xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây là sự trỗi dậy quá đà của cái "tôi" trong một số cuốn hồi ký, một số bài viết, phát ngôn... Đã là hồi ký, tự truyện mà không mang dấu ấn cá nhân thì không ai gọi là hồi ký, tự truyện; nhưng cái mà lịch sử cần, người đọc cần là "làm sao nói vậy", nếu không phải là làm mười chỉ nói năm bảy là vừa! Nhiều bạn đọc hẳn còn nhớ chuyện một vị tướng, với tập hồi ký của mình đã viết rất chi tiết, xúc động những hành động của ông trên cương vị một cán bộ trung đoàn trong một chiến dịch dài ngày, ác liệt vào loại nhất nhì thời đánh Mỹ ở miền Nam...Nhưng thật oái oăm, điều ông viết, ông kể chỉ do ông tưởng tượng, vì thực tế thời gian diễn ra chiến dịch, ông đang dự một khóa bổ túc tại một học viện ở miền Bắc! Vụ việc đã gây phiền lòng, thậm chí bức xúc trong dư luận, nhất là cán bộ, chiến sĩ đơn vị đó, dẫn tới đơn thư thưa kiện nơi này, nơi khác...Rồi gần đây, trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, khi nói về chiến dịch P. rất nổi tiếng thời chống Mỹ ở chiến trường Tây Nguyên, một vị tướng khác (vào thời điểm đó là cán bộ đại đội), đã nói về bản thân với những thông tin mà người nghe tưởng ông phải là cán bộ cấp sư đoàn và chiến công ông lập được trong chiến dịch này qua lời kể của ông thật sáng láng, nhưng (lại nhưng), những chiến công đó, phần lớn do ông tưởng tượng! Nghe ông nói, đồng đội một thời của ông lắc đầu ngao ngán; không tin vào mắt mình, tai mình, rằng ông có thể nói được như vậy một cách thản nhiên, vô cảm.
Người ta đặt câu hỏi, phải chăng ông nghĩ, đã 50 năm kể từ ngày chiến dịch xảy ra, đồng đội của ông giờ mấy người còn, và nếu còn chắc gì còn phân biệt đâu là thật đâu là giả, nên ông cứ vô tư vẽ vời chiến tích của mình.Thậm chí, có người còn tự hỏi: Ông nói thế mà không nghĩ tới, không ngượng với vong linh những đồng chí, đồng đội của ông đã anh dũng hi sinh trong chiến dịch này?... Ở góc độ này thì độ lùi thời gian, gần như là cứu cánh, đồng lõa cho cái "tôi" trỗi dậy quá đà!
Nghĩ về cái "tôi" và sự khiêm nhường, xin được dẫn hai tình tiết mà người viết bài này "thực mục sở thị". Một là, kỷ niệm một lần cách đây chừng hơn một chục năm, NXB Quân đội nhân dân có ý định tổ chức biên soạn, xuất bản cuốn sách viết về mười Đại tướng QĐND Việt Nam. Lãnh đạo NXB xin được gặp và hỏi ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về ý tưởng làm sách. Nghe xong, Đại tướng cho hay: Người xứng đáng Đại tướng đầu tiên của Quân đội ta là anh Phùng Chí Kiên, chứ không phải tôi. Bác Hồ chọn anh Phùng Chí Kiên phụ trách công tác quân sự đầu tiên...
Nghe Đại tướng nói vậy, anh em chúng tôi không ai dám bàn gì tới chuyện làm cuốn sách ấy nữa.
Chuyện thứ hai là vào năm 1994, tôi đang hoàn chỉnh bản thảo "Lịch sử Quân đoàn 2 (1974-1994)", lại may mắn được dự hội nghị nghiệm thu dự thảo công trình này. Xung quanh sự kiện xe tăng của Quân đoàn tiến vào Dinh Độc Lập, người thảo văn bản chấp nhận đầu hàng của Tổng thống chính quyền Sài Gòn-Dương Văn Minh... có rất nhiều ý kiến bàn thảo khá gay gắt. Thượng tướng Nguyễn Hữu An khi đó không là người chủ trì hội nghị, nhưng là Tư lệnh Quân đoàn, trực tiếp chỉ huy đơn vị đánh chiếm Dinh Độc Lập trưa 30-4- 1975-một vị tướng dạn dày trận mạc, thấu hiểu nhân tình thế thái, đã bày tỏ: Viết lịch sử là phải chính xác, nhưng chính xác không phải để ghi công anh công tôi; nếu kể công người đánh vào Dinh Độc Lập phải kể cả công người thợ điện đã ngắt dòng điện bảo vệ Dinh, nếu không xe tăng 843, hay 390... của ta đã là vật tích điện...
Chuyện của 15-20 năm trước mà nghĩ như chuyện mới hôm qua. Lại nữa, cổ nhân từng dạy: Trung thực, khiêm nhường bao nhiêu vẫn không đủ. Kiêu căng, gian dối một chút cũng quá thừa... Lời của người xưa, của những vị tướng đáng kính cũng đáng để người đời suy ngẫm!
D.T