Vì mục tiêu lý tưởng của Đảng, vì dân tộc nên Đảng được nhân dân tin yêu. Biết bao đảng viên hiện nay vẫn tiếp tục canh giữ nơi biên giới, hải đảo; miệt mài trên ruộng đồng, nhà máy, đổ mồ hôi nơi hầm lò, vắt óc trong phòng thí nghiệm, nơi giảng đường… Họ là những người đảng viên chân chính, đáng tôn vinh. Thế nhưng mọi người đang “lăn tăn” nhiều chuyện, bởi có một sự thật khác là không ít đảng viên, kể cả những người thuộc lớp có “chức, quyền” lại sa vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân, tư lợi dưới nhiều hình thức, làm giảm sút lòng tin của dân đối với Đảng, điều này thật đáng buồn và đáng lo.

Thực ra không phải bây giờ Đảng ta mới chăm lo tới việc giữ vững phẩm chất đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên liệu trước từ rất sớm. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, là một đảng cầm quyền, Bác Hồ đã lo tới chuyện này. Chỉ 15 ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, trong bức thư “gửi các đồng chí tỉnh nhà” Bác đã nêu nhiệm vụ “đề phòng hủ hóa”, lên mặt làm quan cách mạng, “dĩ công vi tư”, phải lập tức sửa đổi ngay. Và trước lúc ra đi, Bác vẫn trăn trở nói: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Trong giai đoạn đổi mới, Đại hội nào của Đảng ta cũng báo động về tình trạng tha hóa trong đội ngũ đảng viên, kèm theo đó là không biết bao nhiêu nghị quyết của T.Ư và Bộ Chính trị. Chỉ tiếc rằng các nghị quyết của Đảng về vấn đề này đi vào cuộc sống chưa thật hiệu quả, nên tình hình ngày càng xấu thêm. Do chưa thật thấm nhuần những lời cảnh báo của Bác Hồ, nơi này, nơi khác ít chú trọng tới việc xây dựng Đảng, nhất là thực thi các cơ chế để phòng ngừa. Việc làm không đi đôi với lời nói, ai cũng biết nhưng chẳng ai làm gì. Cán bộ lãnh đạo không gương mẫu, chỉ đòi hỏi cấp dưới, còn bản thân thì ở “ngoài vòng”. Ví như qua Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chưa thấy rõ lãnh đạo làm gì để đảng viên, làng nước theo sau. Tệ hơn nữa là việc xử lý thường “dưới nặng trên nhẹ”, thậm chí trên không việc gì. Từ đó, dân chủ trong Đảng chưa thật sự được phát huy, đồng thời cũng chưa có cơ chế để quần chúng, nhân dân giám sát đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo.

Tình trạng tiêu cực hiện nay trong Đảng đang diễn ra đúng như Nghị quyết đề cập. Chúng ta không thể xem thường, đó là vấn đề cấp bách nhất phải tập trung giải quyết và phải giải quyết cho bằng được. Mục tiêu, phương châm và các giải pháp thực hiện được xác định trong Nghị quyết là đầy đủ. Có nghĩa là Nghị quyết T.Ư 4 đã xem mạch bắt đúng bệnh, kê đúng đơn thuốc. Vấn đề còn lại là có dám uống thuốc đắng để chữa bệnh hay không?.

Vì thế, mọi người dân đều mong đợi chí ít là làm một số việc thật cụ thể, thiết thực chứ không chỉ lặp lại những điều đã từng nói trong vô số nghị quyết đã có. Để có được những hành động như thế, thì đương nhiên phải có dũng khí nhìn thẳng vào sự thật cho dù cay đắng tới đâu đi nữa, giống như Bác Hồ đã công khai nhận khuyết điểm trước dân sau những sai lầm trong cải cách ruộng đất, chấn chỉnh tổ chức trong những năm 50 thế kỷ trước. Khi nêu ra sai lầm thì nên chú trọng tới những cái sai chủ quan là chính. Bởi ,nhiều cái cuộc sống đã đặt ra, mình đã nhận thức được nhưng vì lẽ này, lẽ khác cứ lấn cấn mãi không làm để rồi tự đẩy mình vào thế bị động. Vậy nên, từ cấp cao ở T.Ư đến cấp tỉnh, thành phố cần phải làm ngay, chọn ra đôi ba việc thật đích đáng để làm tới nơi, tới chốn. Tức là kiểm điểm tập thể và cá nhân phải cụ thể, rõ ràng, đúng người, đúng việc, từ đó có biện pháp xử lý, giải quyết dứt điểm. Cần thiết phải thi hành kỷ luật ngay. Còn nếu chỉ phê bình, góp ý chung chung, sau đó không ai bị xử lý gì thì rất khó đem lại niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Thanh Lâm