Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng danh hiệu NSND

Tuần qua, có hai sự kiện khiến dư luận xã hội chú ý liên quan đến chuyện “tiêu chí”. Đó là lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) lần thứ 9 (ngày 29-8-2019) và sự kiện bộ sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại bị “đánh trượt” ngay từ vòng 1 của Hội đồng Thẩm định sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT).

Sự kiện thứ nhất thì các cơ quan quản lý nhà nước đã linh hoạt, bỏ qua vấn đề tiêu chí khi xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT nên được nhân dân đồng tình; giới văn nghệ sĩ hỷ hả, xúc động. Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 1358/QĐ-CTN và Quyết định số 1359/QĐ-CTN về việc truy tặng, phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho 391 nghệ sĩ. Trong đó, 199 nghệ sĩ (chiếm hơn 50%) được đặc cách truy tặng, phong tặng các danh hiệu cao quý đó.

Đây là những cá nhân đã được Chính phủ ra Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 18-7-2019 đề nghị xét phong tặng, truy tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Nghị quyết số 54 nêu rõ, việc đề nghị xét đặc cách này được đưa ra trong khi chưa sửa đổi Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29-9-2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Những trường hợp này dù hồ sơ không đáp ứng đủ theo quy định như về số lượng huy chương..., song đều là những người có nhiều cống hiến cho nghệ thuật nước nhà. Nghệ sĩ Trần Hạnh năm nay 90 tuổi - một trong 46 cá nhân được đặc cách xét tặng danh hiệu đợt này - xúc động phát biểu rằng, cuối cùng ông cũng đã được nhận danh hiệu NSND sau mấy lần hồ sơ bị… trượt.

Cần phải nói rằng, tiêu chí số lượng huy chương khi xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT bị giới văn nghệ sĩ phê phán nhiều năm nay, vì nó không phản ánh đúng thực tế tài năng và cống hiến của nghệ sĩ, thậm chí nó khuyến khích nạn “chạy huy chương” trong các mùa hội diễn chuyên nghiệp... Cho nên, lần này, việc hơn 50% NSND, NSƯT được truy tặng, phong tặng danh hiệu đặc cách, chứng tỏ Đảng, Nhà nước đã hiểu thấu tâm tư, nguyện vọng của giới văn nghệ sĩ. Người ta nói vui là, “cuộc sống” đã được đưa vào Quyết định số 1358/QĐ-CTN và Quyết định số 1359/QĐ-CTN thay cho những tiêu chí quan liêu, xa rời thực tiễn.

Ở sự kiện thứ hai, theo đánh giá của Hội đồng Thẩm định sách giáo khoa (SGK), sách Toán và Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại có nhiều nội dung không phù hợp hoặc vượt quá chương trình. Trong đợt thẩm định đầu tiên, sách giáo khoa Công nghệ giáo dục môn Tiếng Việt và môn Toán do GS. Hồ Ngọc Đại chủ biên bị xếp "không đạt" và bị loại. Chỉ môn Đạo đức được xếp "đạt" và lọt qua vòng thẩm định. Theo quy định của Bộ GDĐT tại Thông tư 33 quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK, Hội đồng Thẩm định SGK sẽ dựa vào những tiêu chí sau để đánh giá: Điều kiện tiên quyết của SGK; nội dung SGK; phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục trong SGK; cấu trúc SGK; ngôn ngữ sử dụng trong SGK và hình thức trình bày SGK.

Chiếu theo các quy định này, Hội đồng Thẩm định đánh giá SGK Tiếng Việt của GS. Hồ Ngọc Đại chỉ đạt về điều kiện tiên quyết của SGK, nhưng không đạt tất cả các tiêu chí còn lại. Cụ thể, theo các tiêu chí con thì có khoảng 300 nội dung, chi tiết cần sửa hoặc bỏ. Sau khi chỉ ra những điểm không phù hợp hoặc nội dung vượt quá chương trình, Hội đồng Thẩm định cũng đưa ra hướng cần chỉnh sửa để phù hợp với quy định của chương trình phổ thông mới tới tác giả. Tuy nhiên, trả lời báo chí ngày 12-9, GS. Hồ Ngọc Đại cho biết ông sẽ không sửa để nộp thẩm định lại: “Khi Hội đồng hỏi tôi có ý kiến gì không, tôi nói không có ý kiến gì cả. Tôi không bất ngờ với kết quả này và tôi biết trước chuyện này sẽ xảy ra. Tôi sẽ không sửa bởi công trình ấy tôi đã làm cả một đời người. Nếu nói điều chỉnh có nghĩa là tôi không cẩn thận, không tính toán đến nơi đến chốn. Tôi đã tính toán hết, cũng đã phải làm thực nghiệm mấy chục năm, nghiên cứu rồi điều chỉnh”.

Dư luận xã hội đặt ra rất nhiều câu hỏi liên quan đến “tiêu chí” của Bộ GDĐT. Tại sao một bộ sách giáo khoa đã được đưa vào giảng dạy thực nghiệm hơn 40 năm qua, ở hàng chục tỉnh, thành phố, đã chứng tỏ sự ưu việt lại không qua được vòng thẩm định vì có tới khoảng 300 nội dung không đạt “tiêu chí”? Nhiều chuyên gia, nhà giáo, phụ huynh, học sinh đã học sách giáo khoa này đều lên tiếng khẳng định sự ưu việt của bộ sách giáo khoa này.

Cô giáo Lê Thị Nếp - giáo viên Trường tiểu học và THCS Bắc Sơn (Hưng Hà, Thái Bình) là giáo viên có 4 năm giảng dạy bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, khẳng định rằng, trong cuốn sách của GS. Hồ Ngọc Đại có những mặt tích cực đem lại hiệu quả vượt trội trong quá trình dạy và học... Người Hà Nội thì không lạ gì cảnh hàng trăm cha mẹ học sinh trắng đêm xếp hàng nộp hồ sơ xin vào học Trường THCS Thực nghiệm của GS. Hồ Ngọc Đại... Rất nhiều nhà khoa học nổi tiếng trong nước, quốc tế đã học ở mái trường này.

Như vậy, câu chuyện ở đây là tiêu chí của Bộ GDĐT quá khắt khe, chưa phù hợp với thực tiễn dạy và học hay bộ sách giáo khoa công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại chưa đạt chuẩn như đã nêu ở trên?

Thực tiễn là thước đo của chân lý!

Nguyễn Hồng