Công tác hướng nghiệp trước mỗi kỳ thi THPT là điều rất cần thiết.
Không biết chọn ngành nào, trường nào phù hợp với sở thích, năng lực bản thân là thực tế của không ít học sinh khi đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc chọn ngành, chọn trường cần có “chiến thuật” và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chính vì vậy, các hoạt động giáo dục hướng nghiệp được nhiều nhà trường đẩy mạnh nhằm giúp các em có hiểu biết nhất định về ngành nghề và những biến động trong tương lai.
Quyết định khó khăn
Nghề nghiệp là một yếu tố quan trọng quyết định đến tương lai của mỗi cá nhân. Vài năm trở lại đây, mỗi mùa thi đại học đến có tới hơn hai phần ba các thí sinh đăng ký lựa chọn học các khối ngành kinh tế, trong khi đó nhân lực khối ngành xã hội và kỹ thuật chất lượng cao lại đang thiếu hụt. Sự mất cân bằng trong phân bổ nguồn nhân lực như hiện nay một phần là do định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT còn hạn chế dẫn đến việc các em học sinh không có được định hướng tốt nhất cho tương lai của mình.
Các học sinh trung học phổ thống muốn có được định hướng nghề nghiệp tốt phải hội tụ đủ ba yếu tố. Thứ nhất, là đam mê, yêu thích, muốn được dành mọi sức lực và tâm huyết để theo đuổi ngành nghề đó. Thứ hai, là năng lực, khả năng và thế mạnh của bản thân. mỗi cá nhân phải nắm được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để có sự chuẩn bị cũng như chọn lựa nghề nghiệp sao cho phù hợp. Thứ ba, là cơ hội nghề nghiệp của ngành mình lựa chọn, là sự hiểu biết về nhu cầu thị trường lao động và định hướng chuyên nghiệp ngay từ khi còn học đại học hoặc trường dạy nghề, ngành nghề đó liệu có đem lại cơ hội cạnh tranh cho các em học sinh trong quá trình tìm kiếm việc làm sau này hay không.
Hiện nay học sinh phổ thông lựa chọn nghề nghiệp chủ yếu dựa trên sở thích và lời khuyên của gia đình chứ chưa thực sự nắm được khả năng của mình có phù hợp với nghề nghiệp hay không. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều bạn trẻ không tìm được việc làm sau khi ra trường, làm lãng phí nguồn đào tạo của xã hội và lãng phí nhân lực trẻ. Việc giáo dục hướng nghiệp hiện nay không chỉ là vấn đề của riêng Ngành Giáo dục mà là vấn đề chung của toàn xã hội, bởi học sinh THPT chính là nguồn nhân lực tương lai của đất nước. Là yếu tố quan trọng trong định hình nền kinh tế - xã hội trong tương lai.
Thời gian sau Tết Nguyên đán cũng là lúc học sinh lớp 12 tất bật tìm hiểu, nghiên cứu các ngành học, trường học phù hợp với năng lực và nguyện vọng của mình. Các trường đại học cũng thường xuyên có những buổi tư vấn tuyển sinh, ngày hội tư vấn hướng nghiệp nhằm thu hút thí sinh tiềm năng. Tuy nhiên, đối với các em học sinh, việc lựa chọn và đưa ra quyết định không hề dễ dàng. Em Nguyễn Minh Huyền - học sinh Trường THPT Trần Phú, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ: Em khá đắn đo khi lựa chọn ngành học, trường học bởi phải xem xét từ nhiều khía cạnh như học lực, môi trường đại học, chương trình ngành học, cơ hội việc làm, học bổng... Em vừa muốn chọn trường đại học có ngành học mà mình yêu thích, vừa muốn có việc làm tốt phù hợp với ngành học sau khi tốt nghiệp. Còn em Lê Quốc Khánh - Trường THPT Việt Đức tâm sự: Giai đoạn này chúng em vừa học vừa ôn tập và chuẩn bị đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Em có ý định chọn ngành thiết kế đồ họa nhưng em thấy mình học ở mức khá, không biết có thể đỗ vào trường đại học mà mình mong muốn không. Vì vậy, em vẫn đang phân vân trong việc xác định nguyện vọng của bản thân.
Việc các em học sinh lớp 12 chưa thật sự xác định được mình muốn học gì, làm gì trong tương lai, cũng như sự cạnh tranh trong quá trình thi cử, xét tuyển đang khiến nhiều em cảm thấy áp lực, lo lắng và mất tự tin trong khoảng thời gian cuối cấp này.
Tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị, tổ chức thi tốt nghiệp THPT
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa ban hành Kế hoạch kiểm tra của các đoàn lãnh đạo Bộ và Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Theo kế hoạch, sẽ có 4 đoàn kiểm tra tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Bắc miền Trung; các tỉnh miền Tây Nam Bộ và T.P Hồ Chí Minh; các tỉnh Nam miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ; các tỉnh vùng Trung du, miền núi phía Bắc.
Hoạt động kiểm tra nhằm kịp thời nắm tình hình và có kiến nghị cụ thể về việc tổ chức thi của địa phương; chỉ đạo, hướng dẫn địa phương tổ chức kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, khách quan, đúng quy chế thi và các văn bản liên quan; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh. Bên cạnh đó, hoạt động kiểm tra cũng hướng tới phòng ngừa, phát hiện, kịp thời chỉ đạo xử lý sai phạm, đồng thời, kiến nghị địa phương các biện pháp khắc phục hạn chế, bất cập; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện quy định liên quan những năm tiếp theo.
Sở GDĐT các địa phương thành lập đoàn thanh tra hoặc kiểm tra công tác chuẩn bị thi và khu vực in sao đề thi. Về công tác coi thi, Bộ thành lập 63 đoàn kiểm tra tại 63 Sở GDĐT, kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức coi thi và công tác thanh tra coi thi của sở và việc tổ chức coi thi của hội đồng trường, điểm thi. Thứ trưởng Bộ GDĐT - Phạm Ngọc Thưởng đánh giá: Kỳ thi năm nay có tính chất quan trọng, bởi đây là năm cuối cùng thi tốt nghiệp THPT theo nội dung chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Từ năm sau, bắt đầu kỳ thi tốt nghiệp cho lứa học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Kỳ thi vẫn hướng tới mục đích quan trọng là để xét tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng giáo dục và đào tạo, đồng thời làm căn cứ để xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Theo kế hoạch, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tổ chức từ ngày 26 đến 28-6. Theo thông tin từ Bộ GDĐT, kết thúc thời gian đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã có 1.067.391 thí sinh đăng ký dự thi trên hệ thống đăng ký thi của Bộ GDĐT. Trong đó, số thí sinh tự do đăng ký dự thi là 45.344 thí sinh. Thí sinh thực hiện 4 bài thi bắt buộc, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một trong hai bài thi khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội.
Mạnh Hải