Quýt hồng Lai Vung là trái cây đặc sản nổi tiếng của tỉnh Đồng Tháp nhờ trái to, màu sắc đẹp và chín ngay dịp tết nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Đi dọc các xã Long Hậu, Tân Phước, Tân Thành (huyện Lai Vung), chúng tôi chứng kiến nhiều vườn quýt sai oằn được nhà vườn chăm sóc cẩn thận để “bung hàng” cho thị trường tết trong những ngày tới. Cái được lớn nhất là giá cả đang cao và hút hàng, nếu như tháng trước giá quýt hồng 20.000-23.000 đồng/kg thì nay tăng vọt 26.000-28.000 đồng/kg. Dịp tết, bưởi được nhiều người dùng làm quà biếu, chưng mâm ngũ quả nên luôn “hút hàng”. Tại Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng nhiều vườn bưởi Năm Roi và bưởi da xanh cũng nhộn nhịp vào vụ. Bưởi Năm Roi, hiện thời thương lái đang mua với giá 35.000- 40.000 đồng/kg (loại 1), cao rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Nắm bắt nhu cầu thị trường, nhà vườn đang tích cực chuẩn bị cho mùa bưởi tết và xem đây như vụ chính trong năm. CCB Đặng Văn Nám ở xã Kế Thành, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, chủ 15 công bưởi da xanh đặc sản mừng ra mặt: “Mới thời điểm này đã có các chủ vựa ở T.P Hồ Chí Minh xuống đặt cọc mua bưởi da xanh loại 1 với giá 55.000 đồng/kg. Thấy được giá nên tui vừa đồng ý bán vườn bưởi ước khoảng 15 tấn, được hơn 800 triệu đồng. Số tiền khá lớn đối với người dân nông thôn trồng trái cây đặc sản bán tết như gia đình tôi”.
Hàng độc nhà vườn miền Tây
Năm nào cũng vậy, mỗi khi Tết đến, Xuân về, người miền Tây lại tung ra những sản phẩm độc đáo mang hơi thở sông nước đến khắp mọi vùng miền. Từ những trái cây giản dị như bưởi, dưa hấu, những nghệ nhân sông nước đã “hóa phép” làm phong phú mâm trưng bày cúng ông bà, tổ tiên.
Trong không khí se lạnh của những ngày cuối năm, gần chục cái Tết, năm nào người CCB tài hoa Võ Trung Thành ấp Phú Trí A1, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cũng cho ra những sản phẩm mới, lạ được xem là độc nhất vô nhị, cung ứng cho thị trường mà giá bán đôi khi gấp hàng chục lần so với bưởi bình thường. Đó là quả bưởi năm roi được tạo hình hồ lô có chữ nổi “tài lộc”, chữ “phúc, lộc, thọ”, dưa hồ lô… Sau thời gian nghiên cứu, anh cho ra đời nhiều sản phẩm mới cũng từ quả bưởi hình hồ lô rồi cải tiến để có thêm chữ nổi để sản phẩm càng độc đáo. Tạo hình sản phẩm thành công, anh không giữ làm của riêng mà “chuyển giao công nghệ” cho những nông dân trong vùng cùng làm giàu. Năm nay, CLB chuẩn bị trên 1.000 gốc bưởi (17 ha) để đầu tư chăm sóc tạo dáng hồ lô cung ra thị trường Tết Nguyên đán Ất Mùi. Nhưng do ảnh hưởng thời tiết nên năng suất giảm 50-60% so với năm trước, nên năm nay khả năng chỉ đạt khoảng 4.000 trái. Theo anh Võ Trung Thành cho biết: “Hơn 2 tháng qua đã có nhiều mối buôn tìm đến CLB để đặt hàng, nhưng sản lượng không đáp ứng đủ nhu cầu. Do vậy, giá bưởi hồ lô có chữ “tài-lộc” sẽ tăng từ 20-25% so với năm trước vì sản lượng giảm do sâu bệnh, thời tiết không thuận lợi. Bưởi hồ lô năm nay mất mùa nhưng được giá là hiển nhiên, nhưng đối với CLB sản xuất bưởi tạo hình niềm vui vẫn chưa trọn vẹn, bởi sản lượng giảm chắc chắn nguồn thu nhập cũng giảm theo”.
Nhiều năm qua những ngày giáp tết, nông dân Trần Thanh Liêm ở phường Bình Thủy, T.P Cần Thơ rất tất bật chuẩn bị khuôn nhằm “hóa phép” ra những sản phẩm mới, lạ được xem là độc nhất vô nhị, từ những trái dưa hấu tròn thành hình thỏi vàng, trái tim, xe hơi, vuông… có khắc chữ thư pháp phục vụ thị trường Tết. Cơ duyên đưa anh Liêm đến với nghề “tạo hình” dưa hấu bắt nguồn từ sự tình cờ khi anh xem chương trình truyền hình thấy bên Nhật người ta cũng tạo hình dưa hấu để có hình dáng đẹp hơn. Vậy là anh tìm tòi nghiên cứu, lấy vật liệu là xi măng để đúc thành hình vuông nhưng phải mấy năm thất bại mới cho ra đời những sản phẩm ngày càng “cải tiến công nghệ” để thành hình thỏi vàng, trái tim… Chính sự công phu trong việc chăm sóc, bón phân, tạo hình nên giá những sản phẩm “độc” rất đắt đỏ trong ngày Tết nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
Với sự chuẩn bị chu đáo các loại trái cây đặc sản phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, các nhà vườn ở ĐBSCL đang đón năm mới trọn vẹn niềm vui.
Bài và ảnh:
Phương Nghi