Lợi dụng lòng tin…
Trong đơn, CCB Lê Xuân Phóng (đội 7, thôn Trát Cầu, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội) gửi về Báo CCB [Việt](javascript:void(0)) Nam tố cáo một số đối tượng giả mạo hồ sơ tài liệu, lợi dụng lòng tin và nhu cầu cần tiền đầu tư của người dân đã đứng ra vay vốn giúp rồi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; sau đó thoái thác trách nhiệm, bỏ mặc người dân è cổ trả nợ.
Cụ thể, CCB Phóng tố cáo các ông, bà Vũ Trọng Xuyên (xóm Phú Lộc, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn-nguyên Giám đốc Công ty TNHH phát triển thương mại và xây dựng Hồng Phúc); Nguyễn Thị Thuỷ (số 6, ngõ 79, Thuỵ Khuê, Tây Hồ); Lê Văn Định (đội 5, Trát Cầu, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín) và Trịnh Văn Tú (thôn Quang Hiển, xã Nhân Hiền, huyện Thường Tín). Các cá nhân này đã cấu kết với nhau, qua đó thông đồng móc nối với một số đối tượng khác, với cán bộ ngân hàng thương mại để chiếm đoạt tài sản là sổ đỏ và các giấy tờ khác liên quan đến thủ tục vay vốn.
Trước đó, đầu năm 2011, con trai CCB Lê Xuân Phóng là anh Lê Đức Đại (sinh năm 1982) có nhu cầu vay khoảng 600 triệu đồng để đầu tư vào làm chăn, ga, gối đệm-một nghề truyền thống của quê hương, nhưng cá nhân hộ gia đình ông Phóng không có giấy đăng ký kinh doanh nên để làm thủ tục vay vốn ngân hàng, sẽ không vay được thời hạn lâu dài (chỉ được vay trong 1 năm phải đáo hạn). Do đó, phương án vay vốn số tiền 600 triệu đồng ở ngân hàng thời hạn trả trong 1 năm là khó khả thi với gia đình ông. Nắm bắt được tâm lý này, Lê Văn Định (cháu cùng họ với ông Phóng) và Trịnh Văn Tú đã gặp “khua môi múa mép” với anh Đại là có một công ty có thể giúp đỡ vay vốn như yêu cầu của gia đình với thủ tục đơn giản nhất, nhanh nhất. Định và Tú đã giới thiệu gặp Vũ Trọng Xuyên-Giám đốc Công ty TNHH phát triển thương mại và xây dựng Hồng Phúc (Công ty Hồng Phúc) và Nguyễn Thị Thủy sẽ đứng ra làm được thủ tục vay vốn ở ngân hàng.
Tuy nhiên, để lấy lòng tin, trước khi làm thủ tục vay vốn, Định và Tú đã đưa trước cho gia đình ông Phóng 400 triệu đồng, nhưng bị Định thu luôn 40 triệu tiền lãi, số tiền còn lại Định hứa khi làm thủ tục vay vốn xong sẽ đưa nốt...
Vay tiền trăm,
trả nợ tiền tỷ?
Sau khi nhận 360 triệu đồng, những đối tượng yêu cầu gia đình ông Phóng đưa sổ đỏ, chứng minh thư và sổ hộ khẩu cho bọn chúng đi làm thủ tục vay vốn… Tại một phòng công chứng ở quận Hai Bà Trưng, nhóm đối tượng hướng dẫn ông Phóng và vợ ông bà Nguyễn Thị Chiến ký vào những giấy tờ theo yêu cầu của chúng.
Nhớ lại tình tiết, ông Phóng cho biết: "Do tin tưởng và thời điểm làm thủ tục vay vốn năm 2011, tôi bị ngã gãy chân, đi lại rất khó khăn, cộng với mắt yếu mờ vì di chứng của chiến tranh, nên tại phòng công chứng, họ bảo tôi ký vào đâu là tôi ký vào đó... Hàng chục văn bản tôi cứ thế ký vào theo sự chỉ bảo của họ mà không kịp đọc nội dung trong đó viết những gì… Quả thực vì thấy vay được số tiền lớn (600 triệu đồng), thời hạn vay 5 năm nên trong lòng tôi khi đó chỉ biết… ký nhanh vào những giấy tờ đó mà thôi…” - ông Phóng bộc bạch.
Cũng theo ông Phóng, sau khi hoàn tất thủ tục vay vốn, chờ không thấy Định và Tú đưa nốt số tiền 200 triệu đồng, con trai ông liền đi dò hỏi, được biết, toàn bộ giấy tờ ký tá trước đây là Hợp đồng bảo lãnh cho Công ty Hồng Phúc vay vốn ngân hàng chứ không phải gia đình vay vốn làm ăn. Số tiền Công ty Hồng Phúc vay không phải là 600 triệu đồng mà là 3,6 tỷ đồng, đến giờ cả gốc và lãi lên tới gần 6 tỷ...
Nhắc đến số tiền vay gia đình sẽ xử lý ra sao? Ông Phóng chua chát nói, hiện số tiền vay sắp hết hạn trả nợ nhưng Đại và Tú đã “biến” mất khỏi địa phương hơn 1 năm nay. Còn phía Công ty Hồng Phúc, nhiều lần gia đình đến công ty này yêu cầu giải quyết số tiền vay hơn 3 tỷ đồng, thì ban lãnh đạo giám đốc công ty này đã thay mới hoàn toàn. Họ cho biết, không có trách nhiệm vì giám đốc cũ (Vũ Trọng Xuyên) giả mạo hồ sơ đăng ký kinh doanh, nên đã bị Phòng Đăng ký kinh doanh-Sở KHĐT Hà Nội huỷ bỏ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trên cơ sở các thông tin giả mạo do Xuyên làm, muốn đòi tiền thì đi gặp Vũ Trọng Xuyên mà đòi…
Được biết, sau đó CCB Lê Xuân Phóng có đơn tố cáo các đối tượng trên tới Cơ quan CSĐT-Công an TP. Hà Nội. Ngày 6-10-2014, Cơ quan CSĐT-Công an TP Hà Nội có phiếu chuyển đơn đến Công an huyện Sóc Sơn để điều tra làm rõ theo quy định của pháp luật.
Trước đó, liên quan đến việc giả mạo giấy chứng nhận ĐKKD của Công ty Hồng Phúc, Công an TP. Hà Nội cũng có Văn bản số 161/CV-CAHN-PA81 xác minh làm rõ; Viện Khoa học hình sự-Tổng Cục sảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an cũng có Văn bản số 378/C54-P5 ngày 5-3-2014 về kết quả giám định giả mạo...
Báo CCB Việt Nam theo dõi kết quả giải quyết vụ việc và sẽ thông tin tới bạn đọc.
Doanh Chính
Box: Ngoài gia đình CCB Lê Xuân Phóng bị lừa, tại Trát Cầu và một số xã lân cận ở huyện Thường Tín và huyện Đông Anh còn có nhiều hộ dân khác cũng bị “dính” lừa tương tự. Số tiền theo người dân cho biết lên tới khoảng 22 tỷ đồng. Người dân không chỉ tố cáo Công ty Hồng Phúc mà còn tố cáo Công ty CP đầu tư công nghệ Sao Việt (đăng ký địa chỉ ở phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội); Công ty Hải Long (địa chỉ số 2 Phạm Văn Đồng) cũng với hành vi tương tự, bởi Định, Tú và một số đối tượng khác nằm trong đường dây là người dẫn mối giới thiệu đến gặp Xuyên, Thủy nhờ giúp vay vốn”.