Thay vào đó, sẽ bổ sung các quy định có liên quan đến việc công nhận quyền sở hữu nhà ở, quy định về quyền sở hữu nhà ở riêng lẻ, quyền sở hữu nhà chung cư... Bãi bỏ quy định về giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở sẽ gỡ khó cho các dự án nhà chung cư hiện nay với hàng vạn căn hộ chưa được cấp giấy này.

Bên cạnh đó, về phát triển nhà ở, bổ sung quy định yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh phải lập kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm, năm năm cũng như dài hạn để có cơ sở và nguồn lực cho việc phát triển nhà ở, tránh hiện tượng đầu tư tràn lan, không theo quy hoạch, kế hoạch, gây mất cân đối cung-cầu nhà ở; quy định cụ thể về điều kiện để làm chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở, về hình thức lựa chọn chủ đầu tư và thẩm quyền quyết định lựa chọn chủ đầu tư để tránh hiện tượng xin-cho dự án như hiện nay.

Bộ Xây dựng cũng dự kiến bỏ quy định về tiêu chuẩn thiết kế nhà ở để giao cho Chính phủ hướng dẫn cho phù hợp với từng thời kỳ. Đồng thời, bổ sung thêm các quy định như: hình thức xây dựng nhà ở xã hội để bán, đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội, về lựa chọn chủ đầu tư nhà ở xã hội, các cơ chế ưu đãi, quản lý giá thuê, giá mua, thuê mua...

Đối với chính sách nhà ở cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam thì điều chỉnh chung trong Luật Nhà ở (sửa đổi), không ban hành Nghị quyết riêng của Quốc hội; đồng thời đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Theo đó, dự kiến theo hướng bổ sung quy định cho phép người Việt Nam ở nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở để xây dựng nhà ở như cá nhân trong nước.

Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì quy định mở rộng đối tượng, điều kiện được sở hữu nhà ở, mở rộng loại nhà ở được sở hữu, mở rộng quyền mua nhà ở từ chỉ được mua căn hộ sang được mua cả nhà biệt thực và nhà ở riêng lẻ...

Bộ Xây dựng cũng cho biết, hiện tại, cả nước có hơn 3.700 dự án nhà ở, khu đô thị mới đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng với hơn 90.100 ha.

Về việc công nhận quyền sở hữu nhà ở cho người dân tính đến hết năm 2009 (thời điểm chuyển đầu mối cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở sang cho ngành Tài nguyên và Môi trường thực hiện), cả nước đã cấp được hơn 1,2 triệu Giấy chứng nhận và số lượng còn tồn đọng là khá lớn./.

Theo Vietnam+