Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10-2023. Theo đó, một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo là bổ sung quy định giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm.

Cụ thể, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi quy định, khi người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo Bộ Luật lao động năm 2019, có từ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu hàng tháng (thay vì tối thiểu 20 năm như hiện hành).

Người lao động làm trong một số ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hầm lò, vùng khó khăn được nghỉ hưu sớm hơn từ 5-10 năm so với tuổi chung.

Trường hợp đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để có lương hưu phải 20 năm thay vì 15 năm như những người khác.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, theo quy định hiện hành, điều kiện thời gian tối thiểu tham gia bảo hiểm xã hội để có cơ hội hưởng lương hưu là đủ 20 năm.

Điều này dẫn đến nhiều người lao động do có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ngắn nên khi hết tuổi lao động, không tích luỹ đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu. Do đó, việc sửa đổi giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu được hưởng lương hưu chính là để đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động.

PV