Ông Thành Lênh, người Chăm ở huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận đầu tư đàn bò từ vốn vay của Ngân hàng CSXH.

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và bảo đảm quốc phòng - an ninh, Đảng và Nhà nước xác định vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTSMN) khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải miền Trung là những khu vực trọng yếu, giữ vị trí chiến lược quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, hiện nay vùng DTTSMN vẫn là vùng khó khăn nhất của cả nước. Trong tổng số 5.266 xã vùng DTTSMN có tới 1.957 xã khu vực III và 20.139 thôn, bản ngoài xã khu vực III thuộc diện đặc biệt khó khăn; ngoài ra còn có 291 xã bãi ngang ven biển và hải đảo vào diện đầu tư đặc biệt khó khăn. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn thấp kém, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển KTXH. Đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) được tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức rất thấp so với bình quân chung cả nước. Vùng DTTSMN đã và đang là “lõi nghèo của cả nước”: Thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng khoảng 30% so với bình quân chung cả nước. Dân số DTTS chiếm 14,6% dân số cả nước nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 56,84% hộ nghèo của cả nước. Một số nhóm DTTS có tỷ lệ hộ nghèo đang ở mức rất cao lên đến 70-80%.

Chính sách hỗ trợ phát triển KTXH vùng DTTSMN mặc dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng còn nhiều đầu mối xây dựng quản lý, theo dõi chính sách; nguồn lực phân tán, dàn trải, chưa phân định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành nên hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp, đòi hỏi phải đổi mới chính sách đầu tư phát triển KTXH cho vùng DTTSMN và vùng KTXH đặc biệt khó khăn. Đặc biệt về công tác giảm nghèo bền vững, cùng với việc triển khai Chương trình MTQG về giảm nghèo, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đã nỗ lực cao độ cho công tác giảm nghèo ở vùng DTTSMN, tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo như hỗ trợ về y tế, giáo dục đào tạo, tín dụng ưu đãi, trợ giúp pháp lý...

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội thứ 36 vừa qua, đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) đặt câu hỏi về tiến độ tích hợp các chính sách dân tộc thành Đề án tổng thể. Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến cho biết: Thực hiện Nghị quyết 74/2018/QH14 của Quốc hội, Chính phủ đã giao Ủy ban Dân tộc (UBDT) chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Đề án Tổng thể đầu tư phát triển KTXH vùng DTTSMN, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. UBDT đã hoàn thành xây dựng dự thảo và tổ chức nhiều hội thảo, xin ý kiến của 43 tỉnh vùng DTTSMN và 26 Bộ, ngành, địa phương.

Hiện nay, Chính phủ đã thông qua Đề án và đề xuất Quốc hội xây dựng thành một Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững vùng đồng bào DTTSMN, tiến hành thực hiện từ năm 2021. Chính phủ giao Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh dự thảo cùng các hồ sơ kèm theo và thừa ủy quyền để ký, trình Ủy ban TVQH và Quốc hội trong kỳ họp tháng 10-2019. Đánh giá thêm về Đề án, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định: Chính phủ kỳ vọng trong kỳ họp tới, Ủy ban TVQH và Quốc hội sẽ thông qua và đồng ý triển khai Đề án thành một Chương trình mục tiêu quốc gia thứ ba, cùng với Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng NTM. Chương trình mục tiêu quốc gia thứ ba này sẽ tích hợp 118 chính sách dân tộc (CSDT) để tập trung nguồn lực phát triển toàn diện vùng DTTSMN, vùng đặc biệt khó khăn. Trong nội dung Đề án còn nêu rõ tiếp tục triển khai đồng bộ công tác giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm cho người DTTS, định hướng kỹ năng, tạo việc làm mới cho người lao động DTTS. Phân rõ tiêu chí phân định các vùng DTTSMN và các vùng đặc biệt khó khăn. Đề án cũng đề xuất tích hợp 63 chính sách hiện nay thành 6 nhóm chính sách chính như nâng cao nguồn nhân lực, tạo việc làm, giảm nghèo, nâng cao thu nhập....

Khi Chương trình được quyết định, kỳ vọng sẽ giải quyết căn bản những khó khăn, tồn tại, hạn chế hiện nay trong thực hiện CSDT; vùng đồng bào DTTSMN sẽ có cơ hội phát triển mới.

Dương Sơn