Sai phạm có dấu hiệu của tội phạm hình sự

Kết luận Thanh tra số 2613/KL-TTCP ngày 1-9-2010 và Văn bản số 2341/TTCP-VP ngày 30-8-2011 của TTCP thông báo kết quả thanh tra thanh tra cho người tố cáo xác định tại VIGECAM thời hậu TGĐ Trần Văn Khánh tiếp tục xảy ra các sai phạm lớn.

Như các số trước Báo CCB Việt Nam đã đề cập, chỉ riêng 5 sai phạm lớn ở VIGECAM khi TTCP chỉ ra người tố cáo cho rằng, chiểu theo qui định của pháp luật, các sai phạm trên đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự theo Điều 165 Bộ Luật hình sự qui định.

Một vấn đề nữa mà hiện nay người tố cáo là ông Trần Anh Tú cũng như nhiều cán bộ thuộc công ty con của VIGECAM đang đề nghị là cần công khai kết quả điều tra của C46 – Bộ Công an về việc VIGECAM mua bán 4.300 tấn gạo và có vấn đề cá nhân trong việc nhập khẩu 26.528.476 MTS phân DAP từ tầu Mexico. Tại thời điểm TTCP làm rõ theo đơn tố cáo thì C46 đang điều tra nên TTCP không làm nội dung này.

Theo ông Trần Anh Tú thì nguy cơ mất một phần vốn lớn trong việc mua 4.300 tấn gạo đối với Công ty CP Nam Trung Bộ là dễ xảy ra, bởi Chủ tịch HĐQT công ty này bị bắt về nhiều vụ lừa đảo tài chính, vay vốn ngân hàng…

Thế nhưng dường như các sai phạm của VIGECAM mà TTCP kết luận đã bị “vô hiệu”.

Dấu hiệu bao che?

Tại một số báo cáo kết quả xử lý sau thanh tra của VIGECAM cũng như báo cáo của Bộ NN&PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho thấy việc xử lý hậu thanh tra ở VIGECAM đã bị “vo nhỏ, cất đi”! Kết quả các cán bộ gây nên việc sai phạm đã không hề bị xử lý kỷ luật, bị kiểm điểm Đảng, bị truy cứu trách nhiệm về vật chất mà chỉ đơn giản tự nhận mức “… nghiêm túc phê bình, rút kinh nghiệm”, thậm chí vị TGĐ Nguyễn Đức Phong còn được đề bạt, cơ cấu vào vị trí cao hơn trong Bộ NN&PTNT. Dư luận cũng như người tố cáo cho rằng có dấu hiệu của việc bao che để nhẹ tội làm lu mờ các sai phạm. Cụ thể, sau khi có Kết luận TTCP, Văn phòng Chính phủ còn giao Bộ NN&PTNT trực tiếp chỉ đạo “xử lý, khắc phục những tồn tại, thiếu sót xảy ra ở VIGECAM” nhưng Bộ NN&PTNT lại ra Văn bản số 3583/BNN-TTr ngày 3-11-2010 giao cho VIGECAM tự xử lý. Việc làm này là trái với các qui định về xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức Đảng bị tố cáo.

Điều bất bình thường ở đây là: Trước ngày ban hành Văn bản số 3583/BNN-TTr, ngày 28-10-2010 Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần đã ký Văn bản số 3519/BNN-TTr về việc xử lý sau thanh tra tại VIGECAM, có yêu cầu Vụ Tổ chức cán bộ, Ban Đổi mới và QLDN Nông nghiệp và VIGECAM thực hiện ngay việc khắc phục các sai phạm và kiến nghị việc xử lý kinh tế do sai phạm gây ra nêu tại “ Mục 1,2,3, phần II” – Kết luận thanh tra số 2613/KL-TTCP; Tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể và cá nhân thuộc diện quản lý của VIGECAM có liên quan đến sai phạm, khuyết điểm nêu tại Kết luận thanh tra số 2631 của TTCP. Thế nhưng, chỉ 5 ngày sau, bất ngờ Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần bút phê “hủy văn bản này”?

Theo tìm hiểu, nguyên nhân của việc hủy văn bản trên do Thanh tra Bộ có Tờ trình số 779/TTr ngày 2-11-2010 do Chánh thanh tra Phạm Văn Hiền ký đã làm đảo ngược vụ việc. Các sai phạm trong kết luận của TTCP đã được “vo nhỏ, cất đi”.

Việc xử lý hi hữu chưa từng có đã gây nên làn sóng bất bình lớn trong dư luận và người tố cáo. Tại sao lại có việc bất bình thường nêu trên? Theo ông Trần Anh Tú thì do có sự bao che, là kết quả của việc Bộ NN&PTNT đã giao cho VIGECAM “tự xử” theo Văn bản 3583/BNN-TTr mà không thực hiện theo Văn bản số 3519/BNN-TTr do Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần đã ký trước đó.

Một điểm nữa mà ông Trần Anh Tú chỉ ra điều bất thường tại Văn bản 7449/VPCP-KNTN ngày 18-10-2010 của Văn phòng Chính phủ về việc xử lý sau thanh tra tại VIGECAM. Trong văn bản này ngoài việc giao Bộ NN&PTNT chỉ đạo xử lý, khắc phục sau thanh tra tại VIGECAM, có nội dung “…giải quyết cụ thể, khiếu nại của 12 hộ dân về việc mua căn hộ…”.

Về vấn đề này 12 hộ dân không có đơn kiến nghị hay tố cáo gửi TTCP mà chỉ có đơn kiến nghị gửi VIGECAM và Bộ NN&PTNT. Tại kết luận của TTCP ghi nhận sau kiểm tra thấy có khiếu nại của 12 hộ dân nguyên là cán bộ, công nhân viên của tổng công ty trước đây đặt cọc tiền mua nhà với Công ty tiếp thị của Lã Thị Kim Oanh và Bộ NN đang xem xét, giải quyết. TTCP không có kết luận hay kiến nghị gì về nội dung khiếu nại của 12 hộ dân, nhưng không hiểu tại sao trong Văn bản 7449 của Văn phòng Chính phủ lại nêu vấn đề này? Phải chăng, chính từ việc lồng ghép hai vấn đề mà Văn bản 7449 yêu cầu để hậu xử lý thanh tra tại VIGECAM khi được báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Phó thủ tướng Chính phủ đã làm cho dư luận và nhiều người bị ngộ nhận về kết quả xử lý sau thanh tra, rằng vụ việc đã được xử lý triệt để?

Lê Thanh