Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang - Trần Đức Quý trao Quyết định công nhận Nông thôn mới cho xã Bản Ngò.

Có dịp trở lại xã vùng sâu Bản Ngò, thuộc huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, chúng tôi được chứng kiến sự đổi thay lớn cả về kinh tế, xã hội và con người nơi đây. Xã Bản Ngò được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới từ đầu năm 2021. Đây là thành tựu rất lớn mà Đảng  bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc ở đây đã vượt qua muôn vàn khó khăn để đem lại bao niềm tin mới. Những khó khăn bởi địa hình rừng núi, điều kiện phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng, văn hóa - xã hội, hủ tục…

Khó khăn điển hình phải kể tới, đó là chuyện những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, ở xã vùng sâu Bản Ngò này, không rõ từ đâu có tin đồn là người Mông phải đi theo đạo Vàng Chứ. Ai theo đạo Vàng Chứ thì sẽ được "Vàng Chứ" đưa bay lên trời. Thế là, đã có 50/70 hộ người Mông ở đây nhẹ dạ cả tin, vội vàng bỏ cả bàn thờ, mổ lợn, mổ gà ăn. Rồi bỏ cả sản xuất, đi chờ Vàng Chứ đưa “bay lên trời”. Việc đó đã gây mất trật tự, an ninh trên địa bàn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội của bà con trong xã.

Trước tình hình ấy, tổ công tác của tỉnh và huyện, gồm cán bộ Mặt trận và một số ban, ngành như Hội CCB, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân được cử xuống Bản Ngò. Các cán bộ huyện, xã phân tích kỹ cho bà con nghe về chính sách tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước; về âm mưu của kẻ thù đã lợi dụng chính sách tín ngưỡng của Nhà nước để tuyên truyền, kích động; chỉ cho mọi người thấy rõ là muốn xóa đói giảm nghèo không phải bằng con đường nghe lời tuyên truyền, xuyên tạc của kẻ xấu, mà phải bằng định canh định cư, phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi, cải thiện đời sống…

Để xóa bỏ các tập tục lạc hậu, chính quyền và các đoàn thể vận động bà con thực hiện bản Quy ước nếp sống văn hóa, vận động nhau đến trường học để xóa mù chữ, thực hiện ăn ở có vệ sinh, quét dọn bản làng sạch sẽ, khi ốm đau phải uống thuốc chữa bệnh, không nên mổ lợn, mổ trâu để cầu khấn.

Dần dần, bà con hiểu ra và nhận thấy rằng việc tuyên truyền đạo trái phép đã gây ra những tác hại nghiêm trọng là chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, làm mất đi những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Mông, làm ảnh hưởng đến sản xuất... Sau đó, bà con đã tự giác cung cấp toàn bộ các hoạt động truyền đạo trái phép, việc tụ tập cầu nguyện, bỏ sản xuất, tố giác người đứng đầu các nhóm đi thu tiền của dân...

Thế là ở xã Bản Ngò, những mâu thuẫn, vướng mắc trong nội bộ nhân dân được tháo gỡ. Cả 50 hộ người Mông theo đạo Vàng Chứ tự nguyện ký vào bản cam kết từ bỏ đạo. Các nhóm trưởng truyền đạo tự giác nộp lại thánh giá, các loại tranh ảnh thánh, kinh thánh. Số tiền đóng góp trái phép được sung vào công quỹ của HTX.

Bà con Bản Ngò cũng đóng góp nhiều ý kiến xây dựng Dự án phát triển kinh tế, tâp trung vào việc trồng các loại cây lâm nghiệp, cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi đặc sản đem lại hiệu quả kinh tế cao. Xã đẩy mạnh việc củng cố trường học, trạm y tế cơ sở, mở đường dân sinh tới các thôn bản, xây dựng mương, đập, xây dựng hệ thống thủy lợi nhằm bảo đảm nguồn nước tưới cho các loại cây trồng ...

Bây giờ, bà con Bản Ngò chỉ chăm lo làm ăn để bảo đảm cuộc sống của mình và góp phần xây dựng quê hương, chẳng còn nghĩ gì đến đạo Vàng Chứ nữa. Đạo Vàng Chứ đã thực sự hết thiêng ở Bản Ngò này rồi.

Vũ Đăng Bút