Do hoàn cảnh khó khăn chung, nên các mỹ nhân này thường tần tảo giúp gia đình bán che, bán dưa cà, bán kẹo lạc hoặc sang trọng hơn thì bán cà phê và nước hoa quả mà nôm na được gọi là “hàng giải khát”. Những chiều muộn có mây tim tím, đám tre trẻ đàn ông đầu chải dầu bóng mượt (có kẻ ít tiền thì dùng nước bọt) hoặc cô đơn, hoặc bầy đàn đạp xe “Phượng hoàng” Tàu, “Thống nhất” Việt, “Mi pha” Đức rầm rập rủ nhau lượn lờ qua nhà các nàng. Các người đẹp thấp thoáng núp sau bố mẹ, ai nấy đều tuyệt vời xinh, một kiểu xinh mà giờ đây đã thất truyền. Tóc thật đen, da thật trắng, cười thật tươi, phong độ dịu dàng lẫn lộn kiêu sa đài các với trong trắng đoan trang. Quả là những sắc đẹp kinh hoàng độc đáo. Và độc đáo nhất, giống như trong văn chương mỹ nhân thường ở cạnh anh hùng, thì ở đời thật, cạnh nhà các nàng luôn có một tay đàn ông trên dưới xấp xỉ ba mươi bị người ta cho là dở hơi.
“Dở hơi” theo nhiều từ điển tiếng Việt được giải thích là hâm hấp là gàn gàn là lẩn thẩn. Còn theo y học dân gian cổ truyền thì “hơi” chính là “khí” một thuật ngữ kinh điển Đông y. Khí quan trọng lắm. Con người ta biết ăn, biết yêu, biết say mê chơi chứng khoán, biết khôn ngoan nhận hối lộ chính là nhờ sự thông hoạt của khí và huyết. Nếu khí nhịp nhàng đều đặn thở ra hít vào theo đúng nhịp lên xuống của giá cả thị trường thì người đời đồng thanh cho đấy là khoẻ mạnh đủ hơi. Còn nếu khí ngập ngừng lưỡng lự “ho ra thơ thở ra văn” thì đích thực là đồ dở hơi. Và đàn ông dở hơi thì tuyệt đại đa số đều là những người tử tế đặc biệt lương thiện.
Do quá nhạy cảm mong manh nên hơi thở của họ không chịu được những nặng nề ô trọc của thế cuộc. Hoặc họ uyên bác vì đọc nhiều sách nên ngộ chữ. Hoặc họ quá nồng nàn ngây thơ yêu nên bị ngộ tình. Hoặc họ bị đểu giả lừa bán rẻ. Hoặc họ bị ngu xuẩn thô bạo dập vùi. Họ thường ăn mặc sạch sẽ, áo sơ mi bỏ trong thùng, hiền lành cười dịu dàng nhìn đám thanh niên đang mon men yêu kia trêu chọc. Họ sẵn sàng chuyển giúp đám trẻ những bức thư tình vì có thể họ lơ ngơ cay đắng biết trong đám đó rồi đây cũng có vài đứa yêu quá hoá dở hơi. Nói chung, bề ngoài họ chẳng khác gì người bình thường cả. Họ chỉ khác là không biết gian xảo đếm vàng, đê tiện chạy chức và thỉnh thoảng thăng hoa họ lại vô tư đọc thơ tình, đọc công thức toán, đọc danh ngôn triết học...
Nền kinh tế thị trường bây giờ vẫn còn đàn ông dở hơi nhưng xuất xứ phức tạp hơn. Hầu như đã hết những người gàn vì chữ, hâm vì tình mà nhốn nháo phần đông là lẩn thẩn vì tiền. Chất lượng dở hơi vì thế cũng khác xưa, hay dở chưa bàn nhưng nó tạo ra một khoảng trống nho nhỏ. Ở cuộc sống hôm nay, gần nhà những đàn ông dở hơi đã hết sạch các loại mỹ nhân và nếu thảng thốt có còn thì cái người đẹp ấy phong độ cũng không có gì đáng kể.
Để kết thúc cái phiếm luận “dở hơi” này xin được kể một chuyện của chính mình:
Hôm nọ vô cớ hứng lên tự tay làm một bữa uống ở nhà. Bạn thì vẫn vậy thôi, vừa cũ vừa kỹ, hoặc viết hoặc vẽ cả đời mà tiền bạc vẫn ghét mặt không chịu gặp nên khi uống phê phê tất thảy hay hoành tráng thở dài. Nghe kể về người ta có cổ phiếu, có xe hơi, có chung cư cao cấp, bỗng thấy mờ mịt xa xôi hoang đường như chuyện cổ tích. Rồi tự an ủi nhau “Đời toàn là những người điên thật, chỉ duy chúng mình là tỉnh”.
Nói chưa dứt lời thì cô vợ chán ăn trưa ở cơ quan đột ngột giáng lâm. Nhìn lỏng chỏng người, nhìn lỏng chỏng chai thì đôi má đang lộng lẫy hồng hào bỗng cáu gắt chuyển sang màu xanh lạnh lẽo giống như tai lợn đang dịch. Chào lấy lệ rồi gõ guốc xuống nhà rút môbai buôn oang oang với bạn “Ra Ci - ao ăn gì nhé. Về nhà gặp lão hâm nhà tao lại mời bạn nhậu, người ngợm rặt như một lũ dở hơi”.
Cả bọn tự ngẫm nghĩ thấy hình như cũng đúng. Duy có điều hơi buồn tủi là sinh bất phùng thời, nên tuy đích thực dở hơi mà vợ hoặc người tình trông chẳng giống mỹ nhân một tý tẹo nào.
Tạp văn của: Trần Khôi Việt