Ngồi trong Hội nghị biểu dương các điển hình tiên tiến toàn quốc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tôi ngắm thật lâu Thiếu tướng Vi Văn Long, Uỷ viên thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên; càng nhìn càng mến, càng cảm phục cái dáng người nhỏ nhắn, giọng nói trầm ấm, khuôn mặt hiền hậu, thanh tú với nước da sạm nắng gió của miền Tây Bắc.
Sinh năm 1958, đến năm 24 tuổi, anh thanh niên người dân tộc Thái tốt nghiệp Học viện An ninh rồi trở về quê hương công tác. Đã gần 30 năm trôi qua với biết bao gian khó và cũng từng bước trưởng thành. Anh không nói nhiều về mình, nhưng tôi biết vào năm 2001, ở Na Cô San, Mường Nhé xuất hiện một bọn tà đạo, chúng ép dân phá rừng, chặt gỗ làm nhà nguyện, suốt ngày tập võ, bỏ bê công việc nương rẫy. Ai không theo, chúng phá hoại hoa màu, giết trâu giết bò thả ngoài rừng, hoặc đoạt ruộng nương. Khi đang là Phó giám đốc công an, Vi Văn Long dẫn một tổ, đi bộ bốn ngày về cắm bản; Đi công tác qua, vào bản nghỉ nhờ một lúc, vào bản lại nói xin lửa hút thuốc để được vào nhà, vào nhà mang ghi âm mở bài hát tiếng dân tộc để dỗ trẻ em… trẻ em mến người lớn cũng nể hơn. Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc, các anh được dân bản tin yêu, giúp đỡ phá tà đạo.
Thực hiện cuộc vận động, Công an tỉnh Điện Biên cụ thể hoá bằng phong trào: “Mỗi ngày, mỗi người làm một việc tốt vì nhân dân”. Muốn giúp dân phải về với nhân dân. Có thời gian đường quốc lộ vẫn còn hơn 100km chưa được rải nhựa, các tuyến tỉnh lộ chủ yếu đường cấp phối, 21 xã chưa có đường ô tô, 114 xã chưa có điện lưới quốc gia, 99 xã chưa có điện thoại, tỷ lệ hộ đói nghèo bình quân toàn tỉnh 35%. Ngay từ những đợt ra quân đầu tiên, các đội công tác của Công an đã về ngay những địa bàn xa xôi, khó khăn và phức tạp nhất… Cán bộ, chiến sĩ hợp thành nhiều nhóm nhỏ, tới từng gia đình. Thông qua các cuộc họp dân, bằng cách vừa lắng nghe dân, vừa vận động dân như những người thân trong nhà, trong bản với nhau; kết quả đã có hàng nghìn hộ dân với hàng chục nghìn khẩu, tự giác lập lại bàn thờ tổ tiên, kiên quyết đoạn tuyệt với luận điệu tuyên truyền tín ngưỡng nhảm nhí. Không du canh, du cư, nhiều người ngoài 70 tuổi mới được làm chứng minh thư, sổ hộ khẩu, đăng ký xe máy, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình, làng bản văn hoá.
Đến nay, Công an tỉnh Điện Biên đã có 17 đợt ra quân, mỗi đợt từ 3 đến 4 tháng, với gần 12 ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ có mặt ở trên 900 bản, thuộc 112 xã. Tại địa bàn được tăng cường, lực lượng Công an phối hợp với các ngành chức năng làm mới được hàng trăm phòng học, mở trên 100 lớp xoá mù chữ cho gần 2.500 người, khắc phục tình trạng trắng y tế ở 39 thôn bản, cùng bộ đội biên phòng dựng hơn 800 căn nhà cho những hộ nghèo. Đặc biệt, các đội công tác đã phát hiện và giúp đỡ trên 2.300 quần chúng ưu tú được kết nạp vào Đảng. Các anh không chỉ giúp hơn 200 bản xoá tình trạng trắng đảng viên, mà còn giúp cho đảng bộ các xã được củng cố, hệ thống chính trị ở cơ sở được kiện toàn hơn. Do làm tốt công tác nắm tình hình, phòng ngừa kết hợp với liên tục tấn công truy quét các loại tội phạm, nên hàng năm phạm pháp hình sự đều giảm. Công tác điều tra khám phá án đạt tỷ lệ cao (85 - 90%); khám phá trọng án đạt tỷ lệ 100%; đấu tranh thắng lợi 4.542 vụ án ma túy, bắt giữ 6.774 đối tượng; thu giữ 847,155kg thuốc phiện; 120,33kg hê-rô-in; hơn 10.000 viên ma túy tổng hợp và nhiều tang vật liên quan; TNGT liên tục giảm 3 mặt về số vụ, số người chết, số người bị thương…
Từ phong trào “Mỗi ngày làm một việc tốt vì nhân dân” Công an tỉnh Điện Biên 8 năm liên tục được tặng Cờ thi đua của Chính phủ; tháng 10 năm 2009 được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Bài và ảnh: Tô Kiều Thẩm