Chuyện tình có từ hơn sáu chục năm về trước, và thời gian tôi gặp những chủ nhân của cuộc tình đó cũng đã ngót ba chục năm; nhưng tình yêu của một Vệ quốc quân -sau này là Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đệ - Ba Trung và cô tiểu Lê Hồng Quý dưới mái chùa Bồng Lai trên núi Minh Đạm, Bà Rịa, cứ đằm sâu trong nỗi nhớ của tôi.

Sinh ra ở làng Võ Liệt, Thanh Chương, Nghệ An, một “làng Đỏ” đã từng nổi trống Xô-viết năm 1930-1931, nhưng vì nghèo khổ, 12 tuổi chú Nguyễn Đệ đã phải theo mẹ vào làm phu đồn điền cao su Bình Ba, Xuân Lộc, Đồng Nai. Được Cách mạng Tháng Tám đổi đời, chú Đệ tham gia Vệ quốc đoàn và gần như gắn bó với chiến trường Bà Rịa suốt thời kỳ kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp.

Trên núi Minh Đạm, Long Điền, Bà Rịa, có nhiều ngôi chùa lớn, như: Bồng Lai, Tứ Xuân Tự, Quan Âm… Các sư và tăng ni tu hành trongnhững chùa này đều gắn bó, cảm tình đặc biệt với cách mạng; tận tình nuôi giấu; chữa trị vết thương khi cán bộ, bộ đội bị thương. Nhiều người trở thành cha - mẹ nuôi của bộ đội.

Trụ trì chùa Bồng Lai là má Sáu, má Bảy… hiền lành, phúc hậu và Lê Hồng Quý - cô gái giúp việc chùa, tuổi 15-16 xinh xắn, dễ thương. Không sợ vất vả, hiểm nguy, từ núi cao, hằng ngày các mẹ và Hồng Quý đều bươn bả xuống núi mua lương thực, thực phẩm về tiếp tế cho bộ đội, nắm tình hình địch để cung cấp cho đơn vị. Có lần bị địch nghi ngờ, bắt tra tấn, nhưng các sư nữ vẫn quyết không khai và đấu tranh, thuyết phục, buộc địch phải nhượng bộ.

Là Đại đội trưởng bộ đội địa phương, nhiều năm chỉ huy chiến đấu ở Bà Rịa, chú Nguyễn Đệ xem chùa Bồng Lai như chính “hậu cứ” của đơn vị. Sau này chú nhớ lại: “Mỗi lần đi nghiên cứu, tìm hiểu tình hình địch, tôi đều dựa vào nhà chùa giúp đỡ. Nấp ở đây có thể quan sát toàn bộ căn cứ Nước Ngọt và hoạt động vận chuyển của địch trên tuyến lộ. Có khi năm - bảy ngày xuống núi nghiên cứu kỹ đồn bốt địch, tôi phải ở lại chùa, được nhà chùa che chở, giúp đỡ, dành riêng cho chiếc hang phía sau, cách chùa 300m…” (“Niềm tin và Lẽ sống” - Hồi ký, Trung tướng Nguyễn Đệ). Chỉ huy chiến đấu và chiến đấu vô cùng gan dạ, quả cảm, chú Nguyễn Đệ nhiều lần bị thương nặng đã được sư sãi, phật tử…và cô tiểu Hồng Quý ở chùa Bồng Lai chăm nuôi, thuốc thang. Dần dần, dưới mái chùa Bồng Lai đã nảy nở mối tình giữa Đại đội trưởng Ba Trung (tên người dân quen gọi chú Nguyễn Đệ) với Lê Hồng Quý. Tình yêu giữa hai người lớn dần theo kháng chiến, được mọi người ở đây ủng hộ đã đến độ chín, nhưng chiến tranh đến kỳ ác liệt nhất, vào cuối năm 1953, hai người làm lễ hứa hôn, rồi chú Ba Trung chuyển sang chiến trường khác.

Kháng chiến 9 năm kết thúc, chưa kịp gặp lại người thương thì chú Ba Trung được lệnh ra miền Bắc tập kết, chỉ kịp gửi một lá thư báo tin cho cô Quý, trình bày hoàn cảnh phải ra đi và hẹn ước một mực tin nhau. Sau đó, chú cũng nhận được thư của cô Quý, vỏn vẹn mấy dòng: “Nhận được thư của anh, em rất mừng. Nhưng vì địch gây khó dễ, vả lại, mẹ bị địch bắt, chúng vừa thả về mấy bữa nay. Nên em không dám đi thăm anh. Một lời hứa như dao chém đá, em vẫn sắt son đợi anh về”.

Cứ nghĩ chỉ 2 năm, nhưng phải gần 8 năm, hai người ở hai đầu đất nước. Với chú Ba, đó là quãng thời gian sống trong cảnh “ngày Bắc, đêm Nam”, lòng dạ luôn nhớ về mẹ già và người yêu. Với cô Quý, 8 năm xa người yêu là chừng ấy thời gian cô bị kẻ địch vây bủa, quấy phá. Không chỉ với bản thân, địch còn bắt, quản thúc mẹ cô, để gây sức ép buộc cô phải “li khai” người yêu đi tập kết. Trước sự vây ép của kẻ địch, cô phải về Sài Gòn sinh sống, có lúc phải trốn vào chùa đi tu, nhưng vẫn sắt son một niềm tin người yêu sẽ trở về.

Cuối năm 1962, tình cờ đọc một tờ báo ở Sài Gòn, cô Quý thấy đăng tin “Việt cộng Bắc Việt xâm nhập miền Nam bị tiêu diệt ở U Minh”. Mặc dù bài báo viết chú Ba Trung - Tiểu đoàn trưởng tử vong, nhưng cô Quý vẫn tin là chú Ba đã về Nam, đang sống, và cô quyết tìm chú bằng được. Về tình tiết này, cuối năm 1994, đang là biên tập viên Nhà xuất bản QĐND, vào thăm chú Ba, khi đó là Trung tướng Tư lệnh Quân khu 9, đang chữa bệnh ở Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, lại may mắn được gặp cô Quý ra chăm sóc chú, tôi liền hỏi và được cô trả lời thật nhẹ nhàng:

- Tình yêu lạ lắm cháu ơi! Người ta đăng tin chú tử trận, nhưng điều đó lại mách bảo cô rằng chú đang sống và chiến đấu ở miền Tây. Đó là niềm tin của tình yêu, nên cô quyết đi tìm chú bằng được…

Còn theo chú Ba, thì tháng 8-1960, chú là thành viên của đoàn cán bộ miền Bắc đầu tiên được vào Nam chiến đấu. Sau một thời gian làm Tham mưu trưởng miền Tây, chú được điều động làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn U Minh. Cuối năm 1962, sau một trận chống càn ở An Biên, đang đi thuyền trên kênh Mười Một, chú và đồng đội bị địch phục kích bất ngờ; người chạy thoát nhưng không kịp lấy chiếc bòng, trong đó có một số tài liệu, nên địch có cớ loan tin rằng chú tử trận. Nhưng với chú Ba, trong cái rủi có cái may. Nếu không mất tài liệu thì làm sao cô biết chú đã về Cà Mau, mà tìm kiếm?

Sau mấy tháng thân gái dặm trường, cất công tìm kiếm, vượt qua bao đồn bốt và sự ngăn trở, gây khó của kẻ địch, trung tuần tháng 3-1962, cô Quý và mẹ chú Ba Trung gặp được chú ở Tỉnh đội Cà Mau. Chờ đợi nhau ngót 8 năm trời, đã quá đủ; lại được anh em trong đơn vị và bà con cô bác hùa vào, cô chú tổ chức đám cưới vào ngày 18-3-1962 tại ấp Vịnh Dừa, Giáp Nước, Thị Tường, Cà Mau. Lễ cưới chỉ có chút ít bánh kẹo, trái cây và nước dừa, đều của anh em, cô bác đóng góp, nhưng dạt dào hạnh phúc!

Từ mái chùa Minh Đạm đã nảy nở một mối tình thánh thiện, son sắt thủy chung, vượt qua thời gian, đạn bom, gian khổ, hy sinh, đơm hoa kết trái. Mối tình có một không hai của người lính Cụ Hồ!

Duy Tường