PV: Bom mìn, vật nổ sau chiến tranh vừa là vấn đề phát triển vừa là vấn đề nhân đạo; xin đồng chí cho biết thực trạng ô nhiễm bom mìn ở nước ta hiện nay?
Đại tá Nguyễn Quốc Việt: Theo số liệu khảo sát kỹ thuật và đánh giá tác động của bom mìn vật nổ giai đoạn 1, năm 2002 thì trong số 15,35 triệu tấn bom mìn quân đội Mỹ đã sử dụng ở Việt Nam thì có từ 5-10% (khoảng 800.000 tấn) chưa phát nổ. Chưa tính đến diện tích vùng biển, cả nước đã có 9.284/10.511 xã bị ô nhiễm bom mìn, với tổng diện tích là 6,6 triệu héc-ta, chiếm 21,12% diện tích đất liền; diện tích đất đai bị bỏ hoang chiếm 15,44% diện tích đất tự nhiên. Theo thống kê, từ khi hết chiến tranh đến năm 2000, cả nước có 42.135 người chết và 62.163 người bị thương do bom mìn, vật nổ gây ra (trung bình hàng năm có 1.535 người chết và 2.272 người bị thương do hậu quả bom mìn). Ngoài ra còn những trường hợp không thông báo, chính quyền không biết. Vấn đề đáng quan ngại là để dọn sạch bom mìn thì chúng ta cần tới 185.000 tỷ đồng.
PV: Công tác dò tìm xử lý bom mìn, vật nổ và khắc phục hậu quả do bom mìn gây ra là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Đây là một yêu cầu cấp thiết, lâu dài và là trách nhiệm của toàn xã hội. Xin đồng chí cho biết cụ thể hơn.
Đại tá Nguyễn Quốc Việt: Đúng vậy, ngay từ khi kết thúc chiến tranh, Nhà nước và quân đội ta đã tổ chức thu gom, rà phá bom mìn với quy mô lớn nhằm giải phóng đất đai, đưa nhân dân về với quê hương, làng xã của mình sinh sống. Ngày 4-5-2006, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 96/2006/QĐ-TTg “Về việc quản lý và thực hiện công tác rà phá bom mìn, vật nổ”, quy định Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ: Tổ chức thực hiện rà phá bom mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc. Ngày 21-4-2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” (Chương trình 504) giai đoạn 2010-2025, nhằm huy động nguồn lực trong nước và quốc tế để giảm thiểu tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn. Ngày 22-12-2010, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ký Quyết định thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về “Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” (Ban chỉ đạo 504), do Thủ tướng làm Trưởng ban, 2 phó ban là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ LĐTBXH. Từ những nỗ lực trên, chúng ta đã được đầu tư từ con người đến trang bị kỹ thuật nên lực lượng rà phá tiến hành triệt để, xử lý hết bom mìn vật nổ ở độ sâu 5m; tập trung ở khu vực biên giới, khu vực thi công những công trình trọng điểm, các công trình phục vụ dân sinh và phát triển KTXH. Nguồn vốn của Nhà nước là chính, kết hợp với kinh phí từ các nhà đầu tư nước ngoài và chính phủ các nước Mỹ, Nhật và tổ chức phi chính phủ. Từ năm 2008, mỗi năm trung bình chúng ta giải phóng 20.000 ha đất (chiếm khoảng 3,28% đất bị ô nhiễm) trên toàn quốc. Với tốc độ này thì phải mất hàng trăm năm nữa chúng ta mới khắc phục xong ô nhiễm bom mìn.
PV: Là lực lượng nòng cốt của Binh chủng Công binh và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ, đồng chí cho biết những kết quả chính của Chương trình 504 hiện nay.
Đại tá Nguyễn Quốc Việt: Ngay sau khi được phê duyệt, Chương trình 504 đã khẩn trương thành lập ban chỉ đạo, cơ quan thường trực và các đơn vị chức năng, xây dựng quy chế làm việc, chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành tổ chức triển khai bảo đảm tiến độ và hiệu quả. Chúng ta đã “điều tra, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn toàn quốc”, hoàn thành được trong 49/63 tỉnh, thành phố; biên soạn Bộ tiêu chuẩn kỹ thuật khắc phục hậu quả bom mìn; xây dựng cơ sở dữ liệu bom mìn. Việc xây dựng các dự án rà phá bom mìn, các đề án nâng cấp trạm y tế cấp xã và trung tâm y tế cấp khu vực theo mức độ ưu tiên cũng đã được triển khai. Để đẩy nhanh tốc độ rà phá bom mìn, ngoài nguồn lực trong nước cần vận động các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ cùng chung tay khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam. Chúng ta đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 160 cán bộ, nhân viên về quản lý chất lượng rà phá bom mìn, có sự tham gia của Trung tâm rà phá mìn nhân đạo quốc tế Giơ-ne-vơ. Ban chỉ đạo cũng trú trọng công tác tuyên truyền theo mục tiêu Chương trình 504 trên các phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao nhận thức của nhân dân và tạo sự đồng thuận chung trong toàn xã hội.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là phối hợp với cơ quan liên quan hoàn chỉnh Bộ tiêu chuẩn quốc gia về khắc phục bom mìn; thực hiện các dự án giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân cũng như triển khai các dự án hỗ trợ nạn nhân bom mìn tái hòa nhập công đồng.
Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu của Chương trình 504 đòi hỏi phải có sự chung tay góp sức của nhiều bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội cũng như của cộng đồng trong và ngoài nước. Hy vọng Việt Nam sớm trở thành quốc gia không còn tác động của bom mìn, vật nổ, tạo lập một môi trường sinh thái an toàn.
PV: Xin cảm ơn đồng chí.
Tô Kiều Thẩm (thực hiện)