Các cháu thiếu nhi vui chơi trên đường bê tông trong xã.
Đại úy, CCB Hồ Sỹ Năm - Chủ tịch Hội CCB xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã có hơn 20 năm công tác ở địa phương. Không chỉ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, ông còn đặc biệt quan tâm đến công tác xóa đói nghèo, vươn lên trong cuộc sống của hội viên.
Ông Năm cho biết: “Toàn xã có hơn 280 hội viên CCB thì chỉ có 54% số hội viên được hưởng lương hưu và các khoản trợ cấp CSXH, còn lại phải bươn chải để mưu sinh cuộc sống”. Cùng chung mối lo cuộc sống của hội viên, Ban Thường vụ Hội CCB xã đã “Bám đội lội đồng”, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, mở hướng làm ăn cho hội viên.
Qua việc bám đội lội đồng, ông nhận thấy xã Diễn An có quốc lộ 1A chạy qua, có Đền Cuông thờ Vua Thục An Dương Vương, có 120ha đồi núi, 30ha ao đầm mặt nước... Hội CCB đề xuất với UBND xã ưu tiên mặt bằng, đấu thầu ao đầm, ruộng trũng giao đất, giao đồi cho nhiều hộ có vốn làm VAC, tạo lập nghề mới... Hội phối hợp với các đoàn thể quần chúng đứng ra thế chấp, tín chấp vay vốn Ngân hàng CSXH 1,5 tỷ đồng, vận động hội viên đóng góp quỹ đồng đội 226 triệu đồng cho hội viên nghèo vay làm kinh tế, nuôi con ăn học ở các trường đại học, cao đẳng. Liên kết mở các lớp tập huấn, dạy nghề, chuyển giao tiến bộ KHKT về cây trồng vật nuôi đến từng gia đình hội viên. Bàn cách phát triển kinh tế hộ gia đình, làm vốn cho con em đi xuất khẩu lao động, làm việc ở các khu chế xuất, khu công nghiệp...
Đến nay, cả 9 chi hội CCB xã Diễn An tạo được bước chuyển trong phát triển kinh tế, làm giàu tại quê hương. Toàn xã có 28 CCB sản xuất kinh doanh giỏi, thu nhập từ 100 đến 500 triệu đồng hộ/năm. Hơn 60 hộ đầu tư nuôi gà công nghiệp, trồng thông, bạch đàn, nuôi bò hàng hóa dưới tán cây rừng, mở nhà hàng khách sạn phục vụ khách thập phương về tham quan du lịch vùng Đền Cuông, Cửa Hiền, Hồ Xuân Dương.
Là một trong những CCB sản xuất giỏi, ông Nguyễn Quang Hùng kể về quá trình vượt khó vươn lên của mình: “30 năm phục viên về quê, cũng là chừng ấy thời gian tôi nỗ lực không ngừng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu tại quê. Tôi mạnh dạn đấu thầu 2ha đất hoang của xã để làm trang trại. Ngoài nuôi mỗi năm 15.000 con cá truyền thống, tôi nuôi 3 lứa, mỗi lứa 7.000 con gà công nghiệp; 2 lứa lợn, mỗi lứa chừng 120 con. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm tôi còn lãi hơn 400 triệu đồng. Nhờ làm VAC mà gia đình đã thoát nghèo, trở thành hộ giàu, được huyện và xã nêu gương...”.
Chủ tịch Hội Hồ Sỹ Năm còn tận tình đi sâu, đi sát giúp hội viên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, hoành thành nhanh gọn nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước và tập thể, xây dựng quỹ Hội cao nhất huyện, với mức bình quân 860.000 đồng/hội viên. Phong trào CCB chung tay xây dựng Nông thôn mới được đẩy mạnh, thu hút 100% hội viên tham gia. Chỉ tính trong 5 năm qua, mỗi hội viên góp từ 60-70 ngày công, từ 2 đến 3 triệu đồng để dồn điền đổi thửa, làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nơi tập thể dục thể thao, Nhà văn hóa.
Đến nay, số hội viên giàu và khá, thu nhập từ 100 đến 350 triệu đồng/hộ/năm, chiếm 70%. Hơn 86% số gia đình hội viên đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 95% số hội viên được bầu là hội viên người gương mẫu. Đời sống của hội viên và nhân dân được nâng cao, với mức thu nhập bình quân 36-40 triệu đồng người/năm.
Từ những xóm nghèo dưới chân đồi khô hạn trước đây, nay trở thành trù phú yên vui, với hơn 200ha cánh đồng cho thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/ha/năm. Cả xã đạt 18/19 tiêu chí và có hơn 120 mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, được huyện và xã nêu gương. Con số hơn 3.000 tấn lương thực và nông sản, 2.000 con gia súc, hơn 60.000 con gia cầm có sự đóng góp đáng kể của lực lượng CCB và CQN trong xã.
Bài và ảnh: Lê Hoài Thung