Chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước là vấn đề chiến lược, cơ bản không chỉ trước mắt mà còn lâu dài. Chính sách dân tộc là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Kết quả đạt được của chính sách dân tộc sẽ quyết định sự phát triển ổn định và bền vững của đất nước; thể hiện tính ưu việt của chế độ ta... Do vậy, Đảng, Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, hiệu quả, từ Cương lĩnh, Hiến pháp đến các luật, các chính sách, dành sự quan tâm đặc biệt đồng bào dân tộc... Nhờ đó, chính sách dân tộc đã phát huy hiệu quả thiết thực đối với đồng bào dân tộc nói riêng và đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung... Thời gian qua, việc thực hiện chính sách dân tộc đã đạt được kết quả cao. Các bộ, ngành liên quan đã phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện các chính sách dân tộc. Đồng thời, sự đồng tình, ủng hộ và nỗ lực tự vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã góp phần cho thành công của chính sách.
Thông qua hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ toàn diện trên các lĩnh vực, diện mạo nông thôn vùng dân tộc, miền núi đã thay đổi rõ nét, nhất là hạ tầng kinh tế-xã hội. Một số vùng đã có bước phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3-4%/năm. Lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa-xã hội có bước phát triển; khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường.
Tuy nhiên, qua rà soát, tình hình kinh tế-xã hội vùng dân tộc và miền núi vẫn rất khó khăn. Hiện còn 2.068 xã và trên 18.000 thôn đặc biệt khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên 45%, có dân tộc hộ nghèo chiếm gần 90%. Trong khi đó, một số chính sách đầu tư, hỗ trợ đã hết hiệu lực; một số chính sách không phù hợp với thực tiễn; một số chính sách đang thực hiện nhưng nguồn lực bố trí không đủ, không kịp thời... Qua giám sát, việc tỷ lệ hộ nghèo cao, giảm nghèo chưa bền vững cho vùng dân tộc, miền núi là vấn đề cần tập trung giải quyết. Nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ để giảm nghèo đã được triển khai, nhưng hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Do vậy, trong những năm tiếp theo, Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư cần xây dựng được một khung chính sách dân tộc phù hợp hơn, hiệu quả hơn.
Trong giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2030, UBDT đề nghị Chính phủ xây dựng chính sách dân tộc phù hợp với đặc thù từng vùng (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ); thống nhất đầu mối theo dõi quản lý, chỉ đạo một số chính sách còn chồng chéo trên địa bàn dân tộc, miền núi như Chương trình 30a với Chương trình 135 thành chương trình có mục tiêu và giao UBDT làm đầu mối quản lý, theo dõi thực hiện…
Cũng cần thấy rằng, để công tác dân tộc đạt hiệu quả cao trong thời gian tới và đem lại nhiều lợi ích hơn nữa cho người dân, các địa phương không nên chỉ trông chờ vào các văn bản, thông tư hướng dẫn mà cần chủ động lên chương trình, kế hoạch riêng, tổ chức thực hiện sao cho phù hợp với hoàn cảnh của từng địa phương. Trong công tác dân tộc phải thực hiện linh động, không nên thực hiện theo thói quen chờ đợi, nếu có thể cải tiến, phá lệ thực hiện thì lãnh đạo các tỉnh cần có quyết định cụ thể, quan trọng là đem lại lợi ích cao nhất cho người dân.
Dương Sơn