Chúng ta có quyền tự hào vì thành tựu kinh tế đạt được nhờ sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ và nhân dân cả nước; nhưng cũng cần đánh giá đúng sự thật, không né tránh, không kiêu ngạo. Nếu không, đất nước sẽ còn tụt dài.

Rốt cuộc, năm 2023 với đầy khó khăn đã đi qua. Khi mà các nền kinh tế trên thế giới, bên ngoài thì “gió ngược” thốc vào; bên trong thì lạm phát, lãi suất cao, tiêu dùng sụt giảm,làm ăn khó khăn, dẫn đến có tới 89.000doanh nghiệp đóng cửa, hơn 18.000 doanh nghiệp giải thể.

Nền kinh tế nước ta không chỉ vấp phải những khó khăn tương tự, mà còn gánh chịu hậu quả của những vụ việc đã bị phát hiện và xử lý vì gian lận trên thị trường chứng khoán, gian dối lừa đảo trong phát hành trái phiếu… Thị trường bất động sản thì đóng băng, chứng khoán trồi sụt, trái phiếu có lúc như bất động…

Với sự kiên cường và  do được “trong ấm, ngoài êm” mà chúng ta đã đưa nền kinh tế dần hồi phục, khá dần lên qua từng tháng, từng quý. Kết thúc năm 2023, tăng trưởng kinh tế GDP đạt 5,05%. Tuy còn cách xa mục tiêu tăng trưởng GDP đặt ra là 6-6,5%, nhưng 5,05% cũng là mức tăng trưởng cao trên thế giới và khu vực. Nhiều tổ chức quốc tế lại tiếp tục đánh giá tốt và khen ngợi Việt Nam.

Nhưng nếu để niềm tự hàolà nước tăng trưởng cao trên thế giới che lấp một sự thực là chúng ta tăng trưởng cao, nhưng cao của nhóm những nước thu nhập thấp. Đâykhông chỉ là vấn đề của năm 2023, mà là liền trong 3 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng so với các nước trong khu vực đang thu hẹp dần,  nếu không có sự bứt phá thì không còn thời gian để Việt Nam theo kịp các nước.

Không chỉ vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế đang giảm đi và nguy cơ rơi vào  bẫy thu nhập trung bình đang là lời cảnh báo gấp. Nhìn lại cả chuỗi thời gian tăng trưởng của Việt Nam, thì cứ 10 năm GDP lại giảm thêm 0,5 điểm.

“Lâu nay, các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn luôn tự hào là nền kinh tế luôn thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất thế giới; và cao nhất trong các nước ASEAN. Tuy vậy, tăng trưởng không còn được như họ vẫn thường tự hào” - một vị chuyên gia nói.

Đại đa số người dân cảm thông, chia sẻ với những nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan. Nhưng cuộc sống hằng ngày, công việc hàng ngày vẫn đang vấp phải những rào cản, ách tắc... Khó khăn không chỉ đến từ bên ngoài mà cả từ bên trong. Điều đáng nói là ở bên trong, hàng loạt các khó khăn mới xuất hiện “bổ sung” thêm cho “kho” khó khăn cũ chưa được giải quyết.

Trong khi sản xuất kinh doanh khó khăn, hàng tiêu thụ chậm, dòng tiền thiếu, chi phí sản xuất gia tăng, thì hàng loạt các quy định mới ban hành và áp dụng tạo thêm gánh nặng chi phí khổng lồ đối với doanh nghiệp. Nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện đưa ra mà doanh nghiệp không thể đáp ứng và tuân thủ được.

Thay vì tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc, tháo bỏ rào cản đối với đầu tư kinh doanh, thì một số cơ quan nhà nước lại tăng cường thanh tra, kiểm tra gây thêm khó khăn; làm nản lòng các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Điều đáng nói thêm là, trong thời gian gần đây, mỗi khi có vấn đề, vướng mắc, rào cản pháp lý đối với doanh nghiệp, thì các bộ, ngành không tập trung giải quyết, tháo gỡ, mà luôn tìm cách “bao biện” để khẳng định  là phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước!

Điều đó cũng có nghĩa là những khó khăn, vướng mắc đối với doanh nghiệp vẫn tồn tại, tiếp tục kéo dài, chưa biết đến khi nào mới có thể giải quyết được.

Thực trạng trì trệ của hệ thống hành chính từ trung ương đến địa phương, nhất là tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm đã trở thành phổ biến trong cán bộ, công chức - đây là hiện tượng mới, chưa từng có trong mấy chục năm nay. Nếu không tìm được giải pháp tháo gỡ từ Chính phủ thì đây sẽ là cản trở lớn nhất đóng băng sự phát triển của nền kinh tế nước ta.  

Giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp đang lo ngại liệu các lãnh đạo, các cơ quan nhà nước đã nhìn thấy thấu đáo thực trạng kinh tế vẫn đang yếu cùng với khó khăn bộn bề từ các phía như phân tích ở trên chưa? Có vẻ như không nhìn thấy tinh thần cải cách “nhìn thẳng vào sự thật, đối diện với sự thật, đánh giá đúng sự thật…” của cuối những năm 80 của thế kỷ trước.

Đã bước sang năm 2024, thời gian đi tới năm 2030 gần lại, nhưng thực trạng hiện nay đang dấy lên lo ngại. Vi để đạt được mục tiêu và khát vọng trở thành nước có thu nhập cao như mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ VII đề ra thì  GDP năm 2024 nếu  đạt mức tăng 6% thì năm 2025 GDP phải tăng tới 12%. Đây rõ ràng là một thách thức không nhỏ, vì năm tăng trưởng cao nhất của Việt Nam cũng mới chỉ là 9,5% (năm 1995).

Chúng ta đang tụt hậu, đang cận kề bẫy thu nhập trung bình, đang sắp rơi vào giai đoạn tăng trưởng thấp. Mà kinh nghiệm, khi nền kinh tế đã  rơi vào tăng trưởng thấp, thì việc thoát ra là quá khó... Vì thế mà dù rằng vẫn đang được thế giới ngợi khen là điểm sáng, là trong top những nước tăng trưởng cao nhất thế giới, nhưng trong cuộc “tăng trưởng” này vẫn chưa đủ sức bứt phá để đạt khát vọng một Việt Nam hùng cường, như mục tiêu đề ra.

Đang cần một cuộc bứt phá ngoạn mục hơn, bất ngờ hơn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu dấu của chúng ta. Để đạt được ta phải hiểu rõ ta đang ở đâu.

Phạm Tường Linh