Chiếc rìu gắn bó mật thiết với người Giẻ Triêng.
Đây là dụng cụ được đồng bào sử dụng vào những việc chủ yếu như: chặt gỗ, đẽo cột, chặt củi, chẻ củi… Những nguyên liệu để làm rìu đều có sẵn trong tự nhiên và gần gũi với cuộc sống của người Giẻ Triêng. Để làm ra một cái rìu phải trải qua 3 bước cơ bản: Rèn lưỡi rìu; làm cán và ốp lót tay.

Các hoạ tiết hoa văn được khắc trên rìu là hoa văn khắc chìm. Trong đó, chủ yếu là các loại hoa văn như: hình học, khắc vạch, sóng nước... Đây là những họa tiết hoa văn truyền thống của người Giẻ Triêng.

Màu sắc được sử dụng là màu đen được làm từ khói cây xà nu kết hợp với lá rau tàu bay. Người Giẻ Triêng thường hơ rìu lên khói xà nu, sau đó lấy lá rau tàu bay chà đi chà lại nhiều lần sẽ làm cho màu ngấm vào các đường khắc làm nổi bật lên các hoạ tiết hoa văn.

Sau khi làm xong từng bộ phận thì ráp các bộ phận lại với nhau. Riêng phần cán được đẽo nhỏ lại để lắp vừa ốp lót tay, phía cuối cán để thừa khoảng 2cm để tạo rãnh tròn và thắt đai dây mây tạo độ chắc chắn và thẩm mỹ cho cán rìu - đây là nét đẹp trong nghệ thuật trang trí cổ truyền trên cán rìu của người Giẻ Triêng.

Với người Giẻ Triêng thì rìu không thể thiếu được trong cuộc sống của họ. Thường trong mỗi gia đình có từ 3-5 cái. Trong đó có loại to nhỏ khác nhau để dùng cho các thành viên trong gia đình từ bé đến lớn, từ nam đến nữ và thường của ai thì người đó dùng.

Đặc biệt đối với nam, nữ Giẻ Triêng hiện nay, rìu là một vật dụng rất quan trọng vì nó không chỉ dùng để chặt củi mà nó còn là vật dụng đánh dấu mốc thời gian và tình cảm mà cô gái gửi gắm cho chàng trai cùng gia đình trước khi về làm vợ. Ngược lại, với nam giới, rìu là một vật dụng để họ thể hiện vai trò của người nam giới, người đàn ông trong gia đình như chặt gỗ, đẽo gỗ... để làm nhà ở, nhà rông... và một số công việc khác của gia đình cũng như của làng.

Ngày nay, việc sử dụng rìu vẫn khá phổ biến và đậm nét ở dân tộc Giẻ Triêng. Nó không chỉ có ý nghĩa về mặt văn hóa vật chất mà có ý nghĩa rất lớn về mặt văn hóa tinh thần - văn hoá nghệ thuật.

Thanh Lam