Phát biểu tại phiên thảo luận sáng nay, đại biểu Nguyễn Trung Thu (đoàn Long An) nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động. Đại biểu này cho rằng, Dự thảo luật quy định số giờ làm thêm của người lao động tối đa không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong một ngày và không quá 30 giờ trong một tháng là phù hợp với thực tiễn, góp phần làm tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường lao động khu vực và quốc tế, đồng thời tạo điều kiện cho người lao động có thêm thu nhập.

Trong mối tương quan so sánh với các quốc gia khác, đặc biệt là các nước thành viên ASEAN thì số giờ làm thêm tối đa của lao động Việt Nam hiện đang ở mức thấp. Cụ thể: thời giờ làm thêm tối đa của Trung Quốc là 36 giờ/tháng, Inđônêxia: 56giờ/tháng, Hàn Quốc: 48 giờ/tháng, Singapo: 72 giờ/tháng, Thái Lan: 36 giờ/tuần, Malaixia: 104 giờ/tháng, Lào: 45 giờ/tháng, các nước Campuchia, Philippin, Nhật Bản thì không khống chế thời giờ làm thêm.

Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng thời giờ làm thêm, đại biểu Nguyễn Trọng Thu cũng đề nghị Dự án Bộ luật cũng cần phải quy định bổ sung về tiền lương làm thêm giờ; thời giờ nghỉ ngơi trong ca làm việc; điều kiện an toàn, vệ sinh lao động nhằm đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người lao động…

Liên quan đến giờ làm thêm, đại biểu Cù Thị Hậu (đoàn Hưng Yên) đề nghị phải xem xét lại về quy định giờ làm thêm đối với người lao động. Theo đại biểu, so với các nước, về năng suất lao động công nhân của ta không kém. Năng suất lao động của chúng ta thấp là do máy móc thiết bị còn kém, đặc biệt trong ngành cơ khí, 90% là các thiết bị cũ kỹ, do đó chúng ta phải làm thêm.

Cũng theo đại biểu Cù Thị Hậu, tiền lương tối thiểu của chúng ta còn thấp. Người sử dụng lao động căn cứ vào đó để xây dựng đơn giá tiền lương trên một đơn vị sản phẩm rất thấp, do đó người lao động làm việc cật lực mà cũng chỉ hơn tiền lương tối thiểu một chút.

Cũng trong phiên thảo luận sáng nay, các vấn đề về chế độ tiền lương, chế độ bảo hiểm của người lao động…đã được đề cập. Nhiều đại biểu cho rằng, người sử dụng lao động phải đảm bảo quyền lợi của người lao động, trong đó tiền lương và mức lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (đoàn Đồng Nai) cho rằng, tiền lương và lương tối thiểu là một vấn đề rất quan trọng. Tiền lương các doanh nghiệp trả cho người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI thường được căn cứ theo mức tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Trong khi đó, tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định của chúng ta lại không bám sát với thực tế của xã hội, không bám sát với giá cả thị trường. Điều này gây thiệt hại lớn cho người lao động khi hưởng bảo hiểm xã hội, đặc biệt sẽ là gánh nặng cho xã hội, cho Nhà nước khi người lao động về nghỉ hưu. Cho nên, chúng ta cần phải kiến tạo lại lương tối thiểu cho sát với thực tế.

Còn theo đại biểu Phan Văn Tường (đoàn Thái Nguyên), mấu chốt mọi vấn đề mâu thuẫn trong doanh nghiệp đều do bất đồng về tiền lương, chế độ bảo hiểm, thời gian làm việc… Giải quyết vấn đề này, tổ chức công đoàn của doanh nghiệp phải là chỗ dựa tin cậy của người lao động, gắn kết được người lao động với doanh nghiệp. Do đó, vai trò của tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp cần được chú trọng.

Một trong những vấn đề cũng được đông đảo đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận là chế độ nghỉ thai sản đối với lao động nữ. Đại biểu Nguyễn Thanh Thảo (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng cho lao động nữ sẽ giúp cho người mẹ có thêm nhiều thời gian chăm sóc con nhỏ, đến khi đứa trẻ được gửi nhà trẻ người mẹ sẽ yên tâm hơn để đi làm.

Theo đại biểu Bùi Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng), thời gian nghỉ thai sản của phụ nữ là 4 tháng gây khá nhiều bất cập cho lao động nữ, ảnh hưởng đến sức khỏe của bà mẹ cũng như trẻ em.. Do đó, cần tăng thời gian nghỉ thai sản của phụ nữ lên 6 tháng để đảm bảo sức khỏe của phụ nữ sau khi sinh con.

Đồng quan điểm này, đại biểu Triệu Thị Nái (đoàn Hà Giang) cũng kiến nghị nên tăng thời gian nghỉ thai sản đối với lao động nữ lên 6 tháng. Với lao động nữ làm việc ở những môi trường độc hại thì nên tăng thêm thời gian nghỉ để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và con.

Còn theo đại biểu Nguyễn Trung Thu (đoàn Long An), việc phụ nữ được hưởng chính sách nghỉ thai sản dài, được hưởng lương sẽ thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ. Khi người mẹ cho con bú hoàn toàn, con em họ sẽ khỏe mạnh hơn và điều này còn giúp giảm một khoản chi tiêu khá lớn…

A Hoàng