1. Chiếm tài sản của gia đình liệt sĩ

...Tên tôi là Nguyễn Văn Thướng, địa chỉ: tổ dân phố số 9, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Bố tôi là Nguyễn Văn Thưởng, liệt sĩ chống Pháp (tôi cũng tham gia quân đội từ năm 1970-1973). Năm 1957, bố tôi được Nhà nước chia cho một nửa cái ao của gia đình cụ Nguyễn Văn Nhưng (cùng thôn Giai Lạc, nay là thị trấn Quang Minh) để sử dụng (có giấy tờ, văn bản chứng thực). Tuy nhiên, lúc đó tôi còn nhỏ (ở cùng với ông tôi là Nguyễn Đức Toản), mẹ đi bước nữa, nên tôi vẫn chưa sử dụng phần đất ao của bố tôi để lại. Năm 1973, tôi đi bộ đội về, hoàn cảnh khó khăn, chưa dựng được nhà trên phần đất đó, và suốt từ năm 1957-2002, phần đất này vẫn để nguyên. Bỗng nhiên, năm 2003, các anh Đỗ Văn Du và Đỗ Văn Minh (cùng thôn) cho xe đất, lấp áo của tôi nhằm chiếm đoạt. Sự việc trên, nhiều lần tôi tố cáo hành vi chiếm đoạt tài sản công dân của anh Du và anh Minh lên chính quyền. UBND huyện Mê Linh (Hà Nội) đã có Quyết định số 852/QĐ-CT, ngày 17-11-2008, do Phó chủ tịch huyện Nguyễn Thị Mai ký về việc anh Du và anh Minh phải trả lại phần đất ao trên cho tôi. Đồng thời tôi phải thanh toán tiền san lấp đối với anh Du và anh Minh. Tuy nhiên sự việc trên vẫn chưa được giải quyết, mà anh Du và anh Minh còn tỏ ra “quyết liệt” hơn là xây tường bao và trồng cây lâu năm...

  1. Có gì khuất tất?

...Tên tôi là Đỗ Văn Hay, nông dân thôn Đâu Kiên, xã Quốc Tuấn, huyện An Lão, Hải Phòng... Gia đình tôi có 7 mảnh đất ruộng ở khu Đồng Mả, với tổng diện tích là 4.526,32m2 (do cơ quan có chức năng đo thực tế). Con số trên so với con số 4.143m2 gia đình tôi phải nộp thuế Nhà nước từ trước đến nay thì còn dư ra là 383m2. Cả thảy khu đất này của gia đình tôi thuộc diện thu hồi, giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà máy của công ty Lilama. Gia đình tôi và nhiều hộ khác trong khu đất thu hồi đều hoàn toàn nhất trí với quyết định của thành phố. Tuy nhiên, gia đình chúng tôi chưa nhất trí với cách xử lý của ông Nguyễn Đăng Sành, Phó chủ tịch UBND huyện An Lão, cụ thể là: chưa tính đủ diện tích đất gia đình chúng tôi phải nộp thuế để được tính đền bù và số tiền không đúng với quy định của thành phố...

  1. Giết người chưa thành... hưởng án treo?

...Tên tôi là Ngô Văn Hưng (CCB, nhập ngũ năm 1964, gia đình liệt sĩ), địa chỉ thôn Cao Xá, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Gia đình tôi và gia đình cô Nga có xảy ra việc tranh chấp đất đai, đang được chính quyền giải quyết. Tuy nhiên, gia đình họ hàng anh em nhà cô Tuyến (người được cô Nga giao quyền sử dụng mảnh đất đang tranh chấp) đã dùng “vũ khí” để xử lý nhà chúng tôi, gồm hai vợ chồng và hai đứa con tôi. Nhóm gây án gồm năm người: Nguyễn Văn Thắng, Hoàng Ngọc Tuyến, Ngô Thị Bính, Hoàng Ngọc Phong (Kiên) và Đặng Văn Tường. Vụ án giết người không thành (!!!???) đã gây thương tích cho các bị hại tới 29,2%, thấp nhất là 22,1%, tang vật gây án và giám định pháp y đã được các cơ quan có chức năng lưu giữ. Sự việc xảy ra đã được cơ quan chức năng khởi tố hình sự. Toà án sơ thẩm huyện Hoài Đức, Hà Nội đã xử qua bảy lần và đã tuyên án các thủ phạm, người chịu án cao nhất là hai năm tù án treo... Hiện nay gia đình chúng tôi đã kháng án lên toà phúc thẩm. Tuy nhiên, gia đình chúng tôi thấy không tin tưởng thẩm phán sắp xử phiên toà phúc thẩm do đó đã xin tạm hoãn ba lần để kiến nghị thay thẩm phán...

Các đơn thư trên, Toà soạn sẽ cử phóng viên đi thẩm định thông tin và sẽ trả lời vào số báo gần nhất.

Ban bạn đọc