Bước đi của “con nhím”
Có lẽ cay cú nhất của Trung Quốc đương đại với các bậc tiền nhân của họ, là tuyệt nhiên mấy chục bộ sách sử dầy cộp của Trung Hoa vĩ đại đã không có lấy một chữ nào ghi nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh hải Trung Quốc.
“Tương kế, tựu kế”, ngày 4-9-1958 Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã ra Công hàm đơn phương tuyên bố với quốc tế quyết định của Chính phủ Trung Quốc về hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của Trung Quốc và các đảo ngoài khơi, bao gồm cả quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam). Mặc dù hai quần đảo này đã được Hiệp định và các điều khoản của Hội nghị Giơnevơ 1954 quy định là của Việt Nam.
Đuối lý, Trung Quốc viện dẫn xuyên tạc Công thư năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Trong khi nội dung công thư chỉ công nhận hải phận 12 hải lý của Trung Quốc thôi. Còn Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam Thủ tướng Phạm Văn Đồng không nhắc đến nghĩa là không công nhận. Đó là cách phản ứng ngầm quyết định xâm lấn của Trung Quốc! trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng, Việt Nam đang cần chi viện rất nhiều của Trung Quốc, ngôn ngữ ngoại giao không thể nói trắng mọi chuyện ra được.
Tiến thêm bước nữa, năm 1974; 1988 Trung Quốc đã dùng vũ lực cướp toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, chiếm giữ trái phép cho đến nay. Rồi liên tiếp năm 2011, 2012 tàu cá, tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Viking II, tàu Bình Minh 02.
Tiếp tục thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông, ngày 2 - 5 vừa qua Trung Quốc đã đặt giàn khoan Hải Dương 981 hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam, với sự iểm trợ của máy bay, tàu chiến làm giấy lên làn song phản đối của hầu khắp các nước trong khu vực và trên thế giới.

“Treo đầu dê bán thịt chó”
Ngày 27-5 Giàn khoan Hải Dương 981 đã di chuyển sang một vị trí mới vẫn sâu trong vùng biển Việt Nam
Một chuyên gia quân sự nước ta rất thạo tác chiến, hiểu văn hóa Trung Hoa nói với tôi, vị trí Trung Quốc đặt giàn khoan khá sâu và ít trữ lượng dầu, nên đừng ai nghĩ 981 làm công việc khoan dầu. Kể cả, nếu đó là vị trí nhiều dầu thì cũng chưa thể biết ngay được 981 đi hút dầu ở dưới biển lên bờ, hay thả các thứ từ trên bờ xuống bể.
Để không bất ngờ khi gần tới 981 tiếp tục di chuyển đến một vị trí khác theo thế chân kiềng, thì ngay bây giờ đừng ngạc nhiên khi 981 vừa di chuyển sang một vị trí mới; lại càng phải thấy bình thường một vòng tròn tuyệt mật bảo vệ giàn khoan với sự hộ tống của máy bay, tàu chiến, tàu đánh cá trá hình…
Theo Yenling Song, một chuyên gia về khai thác tại Singapore, thì mỗi ngày Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) tốn khoảng 328.000 USD để cho giàn khoan đứng trên biển chứ chưa hoạt động gì. Ngoài ra, chi phí để nuôi một đội tàu hùng hậu xung quanh giàn khoan để thực hiện cái gọi là “bảo vệ” sẽ còn tốn kém hơn rất nhiều. Nhưng Trung Quốc vẫn làm. Làm vì một mục đích khác “to lớn” hơn. Tất nhiên, nếu nước cờ này là ý chí của kẻ ngạo mạn thì “to lớn” phải được hiểu là to lớn của sự tốn kém, mất mát.
Do nhiệm vụ, tôi được một số lần trong đoàn báo chí tháp tùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội ta sang thăm chính thức Trung Quốc. Gần đây nhất là cuộc tiếp kiến trong Đại Lễ Đường, giữa Phó chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (nay là Chủ tịch nước) với Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Lần nào tôi cũng được nghe phía lãnh đạo Trung Quốc dùng những từ bóng bẩy vừa sâu sắc vừa khái quát để nói về tình hữu nghị giữa hai nước… Ngẫm càng thấy, đúng là họ nói thế, nhưng không phải làm thế!

Hiệu ứng từ cái gai 981
Cái gai 981 không chỉ chọc vào lương tri mà còn đánh thức loài người hiểu răng một quốc gia hùng mạnh nhưng tham lam thì lại là họa!. Nhất là đối với Việt Nam nước láng giềng “núi liền núi, song liền song” của Trung Quốc, cái gai 981 đã giúp những ai còn mơ hồ về quan hệ hữu hảo giữa hai nước thì tỉnh ra đó chỉ là thứ hữu nghị hão huyền, để sớm điều chỉnh trong chiến lược quan hệ quốc tế cho phù hợp với đặc điểm của đất nước. Cái gai 981 không chỉ chọc vào ý chí độc lập tự chủ, lòng tự trọng của dân tộc Việt Nam, mà còn củng cố vào chân lý là, nếu đất nước vẫn nghèo, tham nhũng vẫn tràn làn thì không dễ mà có được độc lập tự chủ - để lo mà tìm ra một cơ chế phù hợp nhằm xây dựng được đội ngũ cán bộ trong sạch; để lo phát triển kinh tế xây dựng đất nước…
Để nhổ được cái gai 981 và những cái gai khác tương tự điều không thể thiếu là lòng dân hòa thuận. Mà muốn lòng dân hòa thuận thì phải nhớ câu trong Bình Ngô đại cáo: “Tướng sĩ một lòng phụ tử/ Hòa nước sông chén rươu ngọt ngào”./.

Huy Thiêm