Theo Đại tá Lê Văn Ngọc, Chủ nhiệm chính trị, Bộ CHQS tỉnh thì Gia Lai còn nhiều địa điểm ô nhiễm bom mìn rất nặng thuộc các huyện Chư Prông, Ia Grai, Khang... có thời gian không ai dám tới. Đã có hàng trăm người chết và mang thương tích do bom mìn gây ra, như anh Phan Mỹ ở thôn 5, xã Trà Đa, TP Plây Cu, ngày 23-4-1983, đi khai hoang, cuốc phải quả đạn M79 làm 3 người anh em là Phan Thị Thủy, Nguyễn Khanh và Phan Văn Trung bị chết; anh Mỹ cụt bàn tay phải, gãy 2/3 xương chân trái, thành người tàn phế suốt đời. Cũng ở TP Plây Cu còn có chị Thái Thị Hồng, 50 tuổi, ở phường Thắng Lợi, có con trai là Phạm Văn Hòa, sinh năm 1987, một ngày trong tháng 2-2002, Hòa ở nhà chơi với bạn thấy quả đạn M79 ở rãnh nước, lấy lên ném, đạn nổ làm thiệt mạng. Anh Ksan Tai, sinh năm 1976, buôn Hoa 2, xã Yra sao, Thị xã AYun Pa cưa bom bị chết... Không thể kể hết những nỗi đau thương do bom mìn gây ra. Người chết, người tàn tật là một nhẽ, nhưng người trong gia đình và cả xã hội cũng bị ảnh hưởng theo.
Đại tá Nay Hứ có nước da sạm nắng. Là Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng, anh chịu trách nhiệm chính về nhiệm vụ rà phá bom mìn, giải phóng đất đai. Lần giở từng trang sổ tay, anh nói: Sau ngày giải phóng, cơ quan quân sự các cấp là nòng cốt giải quyết ô nhiễm bom mìn. Ban đầu là thu nhặt những đầu đạn, vật nổ lộ trên mặt đất. Sau đó là thành lập, huấn luyện những trung đội công binh chuyên trách. Đến nay đã có 5 cán bộ công binh có chứng chỉ rà phá bom mìn. Các chiến sĩ được luyện tập theo đúng quy trình. Máy dò mìn được trang bị và mua sắm nhiều loại mới như máy Valon VM-H2.1, máy Valon FAL1303A1, máy FORSETÉ... Được sự quan tâm của Quân khu 5 và của tỉnh, mỗi năm Bộ CHQS được cấp kinh phí từ 10 đến 15 triệu đồng để dò tìm bom mìn cho các dự án phát triển kinh tế, xã hội như khu công nghiệp Trà Đa, Quảng trường Đại đoàn kết, Trường dạy nghề Yên Phú (TP Plây Cu), khu Giống, vật nuôi và cây trồng của tỉnh ở Ia Khươn (huyện Chư Păh), thủy điện Ia Hao (thị xã AyunPa), khu tái định cư Kênh Chông (Ia Le-Chư Pưh). Đặc biệt là đường ra biên giới Iaiơ-Chư Pông) và tuyến biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia bảo đảm cho việc phân giới cắm mốc từ mốc 25 đến mốc 30... Qua dò tìm, bom mìn, vật nổ các loại thu được hàng trăm tấn. Chỉ riêng từ năm 2009 đến 2012, đã xử lý 18 quả bom phá từ 250 đến 750 bảng, 2 quả bom hóa học, 2 bệ phóng với 14 quả rốc-két cùng với 2.500kg đạn, đầu nổ các loại có đường kính từ 7,62 đến 155mm, hơn 30 thùng thuốc độc hóa học...
Thiếu úy Hồ Đắc Nguyên Vũ, quê ở xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Anh nhập ngũ năm 2005, sau khóa huấn luyện tân binh là sang làm nhiệm vụ công binh chuyên trách và đã cùng đơn vị tháo gỡ được gần 2 tấn bom mìn các loại. Nguyên Vũ kể: Tháng 8-2010, ở xã Ia Krim (huyện Đức Cơ), có một nhà dân đào giếng khi sâu được 3m thì phát hiện một quả bom 500 bảng. Cái khó là nơi thi công thuộc khu dân cư đông đúc, nhà dân lại yêu cầu đưa bom lên không phá vỡ thành giếng. Thế là trung đội công binh phân công hai người một ca, xuống hai bên quả bom để đào lộ hết rồi buộc dây kéo lên. Cùng Thiếu úy chuyên nghiệp và cũng mới cưới vợ như Nguyên Vũ là Lê Trung Nghĩa, quê ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Anh Nghĩa nhập ngũ năm 2002, năm sau thì về Đại đội công binh. Ban đầu Lê Trung Nghĩa đi xây dựng các công trình phòng thủ quốc gia, học lái ca nô luyện tập phòng chống lụt bão rồi mới sang dò phá bom mìn. Nghĩa nói khẽ với tôi: Em mới tham gia được ít lắm, chỉ tìm được khoảng 400 quả đạn các loại, mà đạn pháo 105mm là to nhất...
Đại tá, Chính ủy Phan Văn Hạng cho biết: Các đơn vị công binh của quân khu, Bộ Quốc phòng đang triển khai thực hiện giai đoạn 1 (2013-2015) của Chung trình 504 tại Gia Lai, tiến hành rà phá bom mìn trên địa bàn 35 xã, thị trấn ở các huyện Chư Prông, Ia Grai, và Đăk Pơ với diện tích 3.750ha. Đó là những nơi ô nhiễm nặng, còn hoang hóa. Khi hoàn thành màu xanh sẽ trải rộng thêm trên cao nguyên.
Bài và ảnh:
Xương Giang