Chân đê biển Tây, đoạn Kênh Mới - Đá Bạc đã hoàn thành việc gia cố tạm.

Đó là ý kiến đề nghị của ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trong chuyến kiểm tra, khảo sát tình hình sạt lở đê điều trên địa bàn ven biển tỉnh Cà Mau, chiều 5-8.

Khảo sát thực tế tại khu vực sạt lở nghiêm trọng chân đê biển Tây, Cống Kênh Mới - Đá Bạc (thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), ông Nguyễn Trường Sơn cùng đoàn công tác của Cục đánh giá cao công tác ứng phó thiên tai của tỉnh Cà Mau trong những ngày qua, đặc biệt là đã huy động kịp thời lực lượng hộ đê khẩn cấp, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trường Sơn cho rằng: “Việc gia cố đê như Cà Mau đang thực hiện chỉ đối phó sóng gió ở mức độ bình thường chứ không bảo đảm trong điều kiện sóng lớn. Vì thế, tỉnh cần ban bố tình trạng khẩn cấp để có giải pháp hiệu quả hơn về lâu dài, nhằm bảo vệ hữu hiệu tuyến đê, bảo vệ vùng ngọt hóa ven biển”.

Cũng theo ông Sơn, việc triều cường dâng cao kèm sóng lớn gây sạt lở đê nghiêm trọng là dấu hiệu bất thường của thời tiết. Do đó, tỉnh cần chủ động chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng ứng phó trong thời gian tới. Đồng thời, tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, nhất là ứng phó với mưa bão và sạt lở theo phương châm bốn tại chỗ, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân…

Trước đó, vào lúc 15 giờ 5 phút đến 15 giờ 40 phút ngày 3-8, sóng lớn kết hợp mưa kèm theo dông lốc và triều cường dâng cao (mực nước đo tại cống Đá Bạc là +1,70m) làm cho nước biển tràn qua toàn tuyến đê biển Tây từ 0,3 - 0,4 m, đặc biệt là đoạn từ Vàm Ba Tĩnh - Kinh Mới với tổng chiều dài 12,5 km, đe doạ vùng ngọt hoá phía bắc của tỉnh Cà Mau. Nghiêm trọng nhất là đoạn từ Kênh Mới - Đá Bạc, bị sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài 356 m. Sau khi nước rút đi, cơ quan chức năng Cà Mau ghi nhận toàn bộ vải bạt xử lý tạm chân đê đã bị tốc và hư hỏng gần như hoàn toàn.

Trong số này, có hai vị trí với chiều dài 7 m đã bị vỡ mất chân đê phía ngoài, sạt lở đã vào đến thân đê (phần mặt đường bê-tông) và làm cho cát trong thân đê bị chảy ra ngoài. Các điểm còn lại trong tổng số 365 m hầu như đã sạt lở sát thân đê, cách khoảng 0,6 ÷ 0,7 m, tình trạng đặc biệt nguy hiểm, nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào. Ngoài khu vực đê tuyến Đá Bạc - Kinh Mới, còn có bốn điểm sạt lở khác với chiều dài 2.045 m nằm trên tuyến đê từ Ba Tĩnh đến Tiểu Dừa và một điểm thuộc bờ nam Sông Đốc với chiều dài 86 m cũng đang trong tình trạng sạt lở nguy hiểm.

Ứng phó trước tình hình thời tiết cực đoan, tỉnh Cà Mau chỉ đạo cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương ven biển thực hiện các giải pháp hỗ trợ giúp dân khắc phục thiệt hại. Riêng tại khu vực đoạn đê bị sạt lở nặng tuyến Kênh Mới - Đá Bạc, Cà Mau thực hiện hộ đê khẩn cấp. Tính đến cuối giờ chiều ngày 4-8, hơn 200 người của lực lượng hộ đê đã đóng được 7.000 bao tải đất, đóng gia cố 2.500 cừ tràm, xử lý được 150 m đê bị sạt lở nguy hiểm nhất, đánh chìm một xà-lan để ngăn chặn những cơn sóng lớn đánh vào những điểm sạt lở nghiêm trọng nhất. Trong ngày 5-8, cơ quan chức năng tiếp tục huy động lực lượng và tập kết bổ sung thêm một lượng lớn vật tư và cừ tràm để tiếp tục gia cố chân đê.

Trao đổi ý kiến với phóng viên vào tối cùng ngày, ông Nguyễn Long Hoai, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh Cà Mau, cho biết: “Đến xế chiều cùng ngày, lực lượng làm nhiệm vụ đã hoàn tất việc hộ đê khu vực Kênh Mới - Đá Bạc. Chúng tôi tiếp tục cắt cử lực lượng ứng trực, theo dõi diễn biến, đồng thời trong ngày mai và những ngày tiếp theo sẽ thực hiện việc gia cố tại một số điểm sạt lở còn lại trên tuyến đê biển Tây”.

HỮU TÙNG