Cách đây đúng 40 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đánh giá về tầm vóc và ý nghĩa của sự kiện lịch sử đó, Đại hội lần thứ IV của Đảng khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang sử chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và tính thời đại sâu sắc” (ĐCSVN-Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 37, NXB CTQG, H.2005, tr.47.
Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước phản ánh nghị lực phi thường, tinh thần quyết thắng giặc Mỹ xâm lược cao độ và ý chí thống nhất Tổ quốc không gì lay chuyển nổi của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi đó là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, mở ra một kỷ nguyên mới đối với nước ta-kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước tiến lên CNXH. Biểu tượng rực rỡ về tinh thần quyết thắng đó, đồng thời cũng là linh hồn của cuộc kháng chiến là Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có nhiều nguyên nhân làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lâu dài, đầy hi sinh, gian khổ, gay go và quyết liệt nhất trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc; trong đó, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định nhất.
Với đường lối kháng chiến độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo và tầm nhìn chiến lược sâu rộng, tư duy khoa học, sắc sảo, Đảng ta đã đánh giá đúng tình hình quốc tế, trong nước, cả thuận lợi, khó khăn, đánh giá so sánh lực lượng ta-địch, nhất là chỗ mạnh của ta và chỗ yếu của kẻ thù, trên cơ sở đó xác định đúng đắn mục tiêu của cách mạng, vận dụng sáng tạo phương pháp cách mạng, phương châm chỉ đạo chiến lược và phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân thích ứng với từng thời kỳ và suốt cuộc kháng chiến để tổ chức và động viên sức mạnh lớn nhất của cả nước, của hai miền Nam-Bắc, của toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để giành thắng lợi cuối cùng. Lãnh đạo cách mạng trong điều kiện đất nước tạm chia làm hai miền, Đảng ta đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền, có quan hệ chặt chẽ với nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển, nhằm mục tiêu chung là độc lập, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước. Đây là đặc điểm lớn, là nét đặc sắc rất sáng tạo trong sự nghiệp lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, kể từ năm 1954 đến năm 1975. Với đường lối đúng đắn đó và quan điểm đoàn kết quốc tế trong sáng, Đảng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn, hiệu quả cả về vật chất và tinh thần của Liên Xô, Trung Quốc, các nước XHCN anh em và của nhân loại tiến bộ, đặc biệt là sự đoàn kết, liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của nhân dân ba nước: Việt Nam - Lào - Campuchia cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhất là từ sau Hội nghị T.Ư 15 (tháng 1-1959), Đảng ta nhất quán thực hiện phương pháp cách mạng bạo lực tổng hợp, gồm lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân, kết hợp đẩy mạnh đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, kết hợp khởi nghĩa của quần chúng với chiến tranh cách mạng, tiến công với nổi dậy, nổi dậy và tiến công một cách chặt chẽ, linh hoạt. Nghị quyết T.Ư 15 đã đáp ứng kịp thời nguyện vọng tha thiết của đông đảo đồng bào, chiến sĩ miền Nam, phù hợp với tình thế cách mạng, tạo một khí thế mới, động lực mới, thúc đẩy cách mạng miền Nam vững bước tiến lên. Bắt đầu từ phong trào Đồng Khởi, sau đó nhanh chóng phát triển thành cao trào Đồng Khởi ở các tỉnh Nam Bộ (1959-1960). Thắng lợi của phong trào Đồng Khởi đã làm xoay chuyển tình thế, tạo bước ngoặt quyết định, đưa cách mạng miền Nam chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công mạnh mẽ, liên tục, rộng khắp, tạo tiền đề cho Đảng ta đẩy mạnh cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và tay sai.
Thực hiện triệt để phương pháp cách mạng bạo lực, Đảng ta đã phát huy có hiệu quả sự kết hợp giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao; đánh địch bằng ba mũi giáp công: Quân sự, chính trị và binh vận; trên cả ba vùng chiến lược: Rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị; kết hợp ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích, thực hiện kết hợp chặt chẽ chiến tranh chính quy của các binh đoàn chủ lực với chiến tranh nhân dân địa phương của các lực lượng vũ trang địa phương, kết hợp cả đánh lớn, đánh vừa và đánh nhỏ; làm chủ và tiến công, tiến công và làm chủ.
Nét đặc sắc trong nghệ thuật chỉ đạo, tổ chức cuộc kháng chiến của Đảng ta còn được thể hiện ở chỗ luôn quán triệt và kiên trì thực hiện tư tưởng chiến lược tiến công. Về hình thức tác chiến, có thể trong những thời điểm cụ thể có sự đan xen của cả hoạt động tác chiến tiến công, phòng thủ và phòng ngự; nhưng xét về tư tưởng chỉ đạo thì luôn nhất quán tư tưởng chiến lược tiến công. Tư tưởng chiến lược tiến công được thực hiện triệt để trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, không chỉ trong lúc địch “xuống thang” mà ngay cả khi địch “leo thang” chiến tranh; được thực hiện không chỉ đối với chiến tranh cách mạng ở miền Nam-tuyến đầu chống Mỹ-mà còn cả ở trong công cuộc xây dựng, chiến đấu bảo vệ hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nhờ đó quân và dân ta đã chủ động tiến công địch và giành thắng lợi. Trong đó, điển hình là thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1971, 1972 ở miền Nam và thắng lợi của cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, đỉnh cao là đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược (chủ yếu bằng máy bay B.52) cuối năm 1972 trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng... Với việc quán triệt sâu sắc và thực hiện triệt để tư tưởng chiến lược tiến công, giữ vững thế tiến công, liên tục tiến công, chúng ta càng đánh càng mạnh, càng thắng lớn, lần lượt đánh bại các chiến lược: “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1965), “Chiến tranh cục bộ” (1965-1968) và “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969-1973) của đế quốc Mỹ; hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với hai giai đoạn chiến lược cơ bản: “đánh cho Mỹ cút” (năm 1973), tiến tới “đánh cho ngụy nhào”, giành thắng lợi hoàn toàn vào mùa Xuân 1975.
Thực hiện đường lối quân sự độc lập, tự chủ hết sức đúng đắn, sáng tạo và với tài thao lược xuất sắc của mình, trên cơ sở kế thừa truyền thống quân sự của dân tộc, những kinh nghiệm quý báu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng ta đã phát triển nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân đạt đến đỉnh cao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhất là trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến, điển hình là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Đó là nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam độc đáo, sáng tạo được kết hợp chặt chẽ bởi các nhân tố “thế, lực, thời, mưu”, “lấy nhỏ thắng lớn”, “yếu chống mạnh, ít địch nhiều” thể hiện sâu sắc quan điểm, tư tưởng, nghệ thuật quân sự cơ bản, cách đánh địch độc đáo của tổ tiên ta mà tính hiệu quả của nó đã được khẳng định trong lịch sử giữ nước của dân tộc, các cuộc chiến tranh cứu nước của nhân dân ta. Đó là nghệ thuật tổ chức lực lượng phù hợp, bố trí thế trận liên hoàn, vững chắc, chuyển hóa thế trận linh hoạt ở cả phạm vi chiến thuật, chiến dịch, chiến lược. Đó là nghệ thuật đánh địch bằng hai lực lượng, ba thứ quân, trên ba vùng chiến lược-một trong những nét sáng tạo đặc sắc của đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta và trở thành quy luật giành thắng lợi trong chiến tranh cách mạng Việt Nam. Đó còn là nghệ thuật tạo thời cơ, nắm và tận dụng thời cơ để tổ chức những chiến dịch quy mô lớn, có ý nghĩa chiến lược, kết hợp chặt chẽ giữa tiến công bằng tác chiến hiệp đồng quân binh chủng của các binh đoàn chủ lực để tiêu diệt lớn quân địch với nổi dậy của quần chúng rộng khắp, với lực lượng vũ trang địa phương làm nòng cốt để giành chính quyền, gây hoang mang tột độ và làm tan rã lực lượng địch, tiến tới đánh bại toàn bộ quân địch, giành thắng lợi hoàn toàn và triệt để trong thời gian ngắn nhất, có lợi nhất.
Năm 1974, quán triệt tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 BCH T.Ư Đảng, khóa III, quân và dân ta đã đẩy mạnh các hoạt động tiến công địch trên khắp các chiến trường, thu hẹp vùng kiểm soát của chúng, đẩy chúng dần vào thế phòng ngự bị động, tạo bước ngoặt quan trọng cả về thế và lực đối với chiến tranh cách mạng ở miền Nam. Đặc biệt, sau chiến thắng Thượng Đức, Đồng Xoài (cuối năm 1974), nhất là thắng lợi của Chiến dịch Đường 14-Phước Long (cuối năm 1974 đầu 1975) đã tạo cơ sở để BCH T.Ư Đảng khẳng định điều kiện giải phóng miền Nam đang chín muồi. Từ tháng 10-1974 đến tháng 1-1975, Bộ Chính trị đã tiến hành nhiều hội nghị quan trọng, có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp tại các chiến trường miền Nam. Sau khi nghe Bộ Tổng tham mưu báo cáo tình hình chiến trường, kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam, Bộ Chính trị đã tập trung thảo luận, đánh giá về tình hình, so sánh lực lượng, về thời cơ chiến lược và khả năng can thiệp của đế quốc Mỹ… thống nhất nhận định: “lúc này chúng ta đang có thời cơ. 20 năm chiến đấu mới tạo được thời cơ này”, cần phải kịp thời nắm lấy, không được để lỡ. Bộ Chính trị nêu quyết tâm chiến lược: Động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, trong thời gian 1975-1976, đẩy mạnh đấu tranh quân sự, chính trị, kết hợp với đấu tranh ngoại giao làm thay đổi nhanh chóng và toàn diện so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam theo hướng có lợi cho ta. Tiến hành khẩn trương và hoàn thành mọi mặt công tác chuẩn bị, tạo điều kiện chín muồi tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa tiêu diệt và làm tan rã quân đội Sài Gòn, đánh đổ chính quyền Sài Gòn từ T.Ư đến địa phương, giành chính quyền về tay nhân dân. Quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị được thể hiện trong kế hoạch chiến lược hai năm 1975-1976; trong kế hoạch năm 1975, dự kiến phương án: Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975. Thực tế đã diễn ra đúng như Đảng dự kiến.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta diễn ra trong vòng gần hai tháng (từ ngày 4-3 đến ngày 2-5-1975), với tốc độ “một ngày bằng 20 năm”, gồm các đòn tiến công chiến lược lớn là: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Trị Thiên, Chiến dich Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau thắng lợi quyết định của Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Trị Thiên và Chiến dịch Đà Nẵng, Bộ Chính trị khẳng định: “Thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam”, từ đó quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trận quyết chiến chiến lược diễn ra từ ngày 26 đến 30-4-1975 đã giành toàn thắng, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm đầy hi sinh, gian khổ, nhưng rất vẻ vang của quân và dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Với thắng lợi vĩ đại đó, nhân dân ta đã thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh-giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Và trong không khí tưng bừng của ngày Đại thắng, đồng bào và chiến sĩ cả nước như thấy có bóng Bác Hồ kính yêu. Từ đây nước ta bước vào kỷ nguyên mới: Độc lập, thống nhất, cả nước đi lên CNXH.
40 năm đã trôi qua, kể từ ngày Đại thắng “30-4-1975”, nhưng tinh thần quyết thắng, ý chí và khát vọng chảy bỏng thống nhất Tổ quốc của dân tộc Việt Nam được thể hiện trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, cũng như toàn bộ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vẫn còn nguyên giá trị. Bài học quý báu đó cần được tiếp tục phát huy trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, củng cố quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, Quân đội nhân dân trong thời kỳ mới...
P.Q.T