Bỗng dưng thấy hãi, bởi sau một tháng thực hiện tháng an toàn giao thông với chủ đề “Tháng văn hoá giao thông”, số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng thảm khốc gây nên thiệt hại về người và của trong tháng 9-2009 trên cả nước tăng lên. Không hãi sao được khi xe đâm nhau ở Đoan Hùng (Phú Thọ). Không hãi sao được khi xe đâm nhau ở Hà Tĩnh… Tất cả đều gây nên tai nạn thảm khốc. Bà con ở phường Phước Long A, quận 9, TP Hồ Chí Minh không hãi sao được khi từng đoàn xe công-ten-nơ “siêu trường, siêu trọng” vì tránh trạm thu phí ở xa lộ Hà Nội cứ “khủng bố” khu dân cư.

Những nơi xảy ra tai nạn không hề vì nguyên nhân đường hẹp. Cơ quan chức năng kiểm tra, thấy lái xe gây tai nạn có mùi cồn! Còn những tuyến phố đường hẹp, người đông như Hàng Bông, Hàng Ngang, Hàng Đào… ở TP Hà Nội, tai nạn giao thông lại ít xảy ra, vì người tham gia giao thông biết “hãi”, không dám phóng nhanh vượt ẩu. Như vậy, trước hết và quan trọng hơn hết, người tham gia giao thông phải có “văn hoá giao thông”.

“Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Ai đó sẽ nói vậy khi tôi lại đề cặp đến văn hoá giao thông. Nhưng không nhắc lại sao được, khi vẫn còn nhiều người bị tai nạn giao thông thảm khốc. Tôi rất tâm đắc với ý kiến của Toà soạn Báo CCB Việt Nam khi cho rằng văn hoá giao thông là người tham gia giao thông chấp hành Luật giao thông một cách tự giác. Khác hẳn với phim truyền hình nhiều tập, nhiều tập rồi cũng phải kết thúc, “văn hoá giao thông” không chỉ là vấn đề của một tháng, mà là vấn đề của nhiều tháng, nhiều năm, để mỗi khi chúng ta khi tham gia giao thông, không phải bỗng dưng thấy hãi!

Đỗ Đỗ