Đại tá Lê Khôi.

Trên chuyến đi công tác Lạng Sơn gần đây, nhìn ra ngoài từ cửa kính ô tô, cơn mưa rào mùa hạ xối xả như cuốn bay mọi thứ; duy nhất chỉ có những cây đào ở hai bên đường, trên những triền núi, con dốc, tuy đã qua mùa hoa nở nhưng vẫn  đứng sừng sững và đẹp một vẻ đẹp cổ thụ, tự nhiên, pha chút hoang sơ mà không giống đào nào có được. Có lẽ bởi vậy mà đào xứ Lạng được coi là biểu trưng cho sức sống phi thường nơi địa đầu Tổ quốc. Bất giác, tôi lại nhớ đến bố và những cây đào xứ Lạng mà tôi và các đồng đội của bố đã đem về trồng bên mộ ông vào đầu xuân năm nay, tại Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng (Ba Vì, Hà Nội). Chắc giờ đây, giống như những cây đào này, chúng cũng đã vươn cành cao lớn, đứng sừng sững hiên ngang như bố tôi lúc sinh thời, luôn sống ngẩng cao đầu, dâng trọn tuổi xuân cho Tổ quốc.

Tôi vẫn còn nhớ ngày bố tôi vĩnh viễn ra đi đầu năm 2003 do vết thương thời chiến tái phát. Đó là ngày tôi phải xa bố mãi mãi nhưng cũng là ngày mà tôi được gần ông theo một cách thật đặc biệt. Ngày đó, rất đông các đồng đội đã đến viếng và đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Mỗi người đến đều mang theo một câu chuyện riêng về bố tôi, những câu chuyện thời chiến về tình đồng đội, đồng chí, về tinh thần chiến đấu… mà chị em tôi chưa bao giờ hình dung ra. Được nghe những câu chuyện kể về bố, nhìn những hàng nước mắt lăn dài trên khuôn mặt nhăn nheo của những người đồng đội già cùng tình cảm xót thương mà các bác dành cho bố, tôi mới hiểu, lúc sinh thời bố tôi đã sống một cuộc đời thật đúng nghĩa và lựa chọn đúng con đường đi theo cách mạng, chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc.

Là cựu sinh viên tại chức Đại học Bách Khoa Hà Nội, bố tôi còn có khả năng nghe nói tiếng Anh và tiếng Nga khá tốt. Điều đáng ngưỡng mộ là vốn ngoại ngữ có được đều do bố tôi tự học và tích lũy trên báo đài vào các buổi trưa và tối. Chính nhờ ý chí tự học, tự làm đó mà bố tôi được coi là một trong những tấm gương chiến sĩ trí thức tiêu biểu thời bấy giờ .

Năm 1949, nghe theo tiếng gọi của Đảng, bố tôi nhập ngũ vào Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn Quân Tiên Phong (e102, f308). Đó là dấu mốc đánh dấu sự khởi đầu của một hành trình dài 40 năm đầy hy sinh và tận tụy dành cho Tổ quốc.

Năm 1954, bố tôi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần cùng quân và dân ta làm nên chiến thắng vĩ đại lừng lẫy năm châu. Với những chiến công khi tham gia chiến dịch này, bố tôi đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công.

Năm 1968, là cán bộ cấp tiểu đoàn, bố tôi chỉ huy đơn vị tham gia Tổng tiến công Tết Mậu Thân trên chiến trường miền Nam, rồi bị thương.

Năm 1971, bố tôi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 102, Sư đoàn 308, tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào và năm 1972 tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị. Là chỉ huy, nhưng thường khi hành quân, bố tôi lại mang vác hộ trang bị cho các chiến sĩ. Hành động này của ông đã được đồng đội ghi nhận và các báo đài phản ánh khá chi tiết. Giữa lúc tham gia chiến dịch, nhận được hung tin bố đẻ (ông nội tôi) bị bom Mỹ giết hại ở quê nhà, nhưng bố tôi đành nén đau thương ở lại sát cánh cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu. Sau đó, bố tôi bị thương lần thứ hai rất nặng. Không gục ngã, khi vết thương tạm ổn, ông đề đạt cấp trên được ở lại chiến đấu cùng đồng đội. Kể từ đó cho đến mãi sau này, cứ thi thoảng vết thương lại tái phát khiến bố tôi đau đớn đến tận lúc qua đời. Trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972, bố tôi được phong danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và được thưởng Huân chương Chiến công.

Năm 1977, bố tôi  là Phó sư đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Sư đoàn 308; sau đó, ông được điều về làm Hiệu trưởng Trường Hậu cần Quân đoàn 1.

Năm 1978, tình hình biên giới phía Bắc ngày một căng thẳng, bố tôi được điều động lên Cao Bằng làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 322, Quân đoàn 26, Quân khu 1. Sau đó, ông được điều sang làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 346, Quân đoàn 26. Khi chiến tranh nổ ra, ông đã chỉ huy đơn vị chiến đấu trừng trị quân xâm lược, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Khi chiến sự ở tuyến biên giới Cao Bằng tạm lắng, năm 1980, bố tôi được điều sang mặt trận Lạng Sơn - nơi chiến sự đang nóng bỏng, làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 337, Quân đoàn 14. Ở Mặt trận Lạng Sơn, ông đã chỉ huy Sư đoàn cùng đơn vị bạn đánh nhiều trận xuất sắc. Năm 1981, vào thời điểm đang chỉ huy Sư đoàn cùng đơn vị bạn chiến đấu làm thất bại âm mưu chiếm bình độ 400 của đối phương, thì bố tôi nhận được tin bà nội tôi qua đời. Lại một lần nữa, ông nén đau thương, cùng đơn vị chiến đấu chặn đứng quân bành trướng. Sư đoàn 337 vinh dự được phong tặng danh hiệu “Cánh cửa thép Lạng Sơn”. Rồi chiến sự cứ xảy ra liên tục, phải chỉ huy đơn vị chiến đấu, thức cả chục ngày đêm liền không ngủ, nên bố tôi bị xuất huyết dạ dày, ngất đi ngay trong hầm chỉ huy. Bộ Quốc phòng đã kịp thời điều máy bay trực thăng và bác sĩ Bệnh viện 108 lên đưa bố tôi về Hà Nội cấp cứu và ông phải cắt 3/4 dạ dày.

Năm 1982, bố tôi được điều về làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 431, Quân khu 1. Ngày đó, nhân dân ta bị thiếu đói; bố tôi được tiêu chuẩn ăn của cán bộ nhưng ông ăn tiêu chuẩn như chiến sĩ, phần còn lại ông thanh toán mang cho các gia đình nghèo khổ ở gần đơn vị.

Với những thành tích xuất sắc trong chỉ huy chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên tuyến biên giới phía Bắc, bố tôi tiếp tục được tặng thưởng nhiều Huân chương Chiến công.

Năm 1989, sau tròn 40 năm làm Bộ đội Cụ Hồ, bố tôi nghỉ hưu tại Hà Nội. Là thương binh hạng 1/4, được hưởng chính sách nhà ở dành cho những Người có công với đất nước nhưng bố tôi nhất quyết từ chối không nhận nhà và luôn dặn mẹ con tôi: “Nhiều người còn vất vả hơn mình mà họ chưa có nhà ở, nên nhường cho họ”.

Là thương binh, tuổi cao, tóc đã bạc trắng, nhưng bố tôi vẫn rất tích cực tham gia công tác Mặt trận, Hội đồng Nhân dân, cấp ủy chi bộ… Ông nói với các con: “Còn thở, còn đi được, còn làm được gì cho Đảng và đất nước thì bố còn làm”. Chính tinh thần đó của bố đã truyền lửa chị em tôi và nhiều bạn trẻ khác.

Sau khi nghỉ hưu, bố tôi mới có thời gian để nghỉ ngơi dưỡng sức, tận hưởng cuộc sống bình dị và dành sự quan tâm đến các thành viên trong gia đình, người thân; nhất là mẹ tôi. Ngày ngày, bố mẹ tôi luôn bên nhau. Sau khi mẹ tôi mất, ngày nào bố cũng ngồi trước bàn thờ mẹ, vừa nói chuyện với mẹ vừa rơm rớm nước mắt. Chứng kiến những cảnh đó, tôi xúc động và trân quý vô cùng.

Trưởng thành và trải nghiệm nhiều trong cuộc sống, tôi lại càng kính nể sự hy sinh của bố vì Tổ quốc - một sự hy sinh rất đáng giá và vẻ vang. Tôi tin chắc rằng, nếu được lựa chọn lại, bố tôi vẫn sẽ đi theo con đường mà ông đã chọn. Và tôi nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn sẽ lựa chọn được làm con của bố tôi - một người lính Cụ Hồ đầy tự hào. Tôi thầm cảm ơn bố và những người chiến sĩ khác - những người chồng, người bố, người lính anh hùng đã cống hiến và dành tình yêu vô điều kiện cho đất nước để chúng ta có cuộc sống hòa bình và no ấm như ngày nay.

Lê Hương Liên