Theo Đại tá Hoàng Kim Phụng-Giám đốc Trung tâm GGHB Việt Nam, từ năm 2005, Việt Nam bắt đầu chuẩn bị cho việc tham gia lực lượng GGHB, đã hợp tác với nước ngoài đào tạo tiếng Anh và kiến thức chuyên môn cho gần 200 sĩ quan. Tại Diễn đàn Đối thoại Shangri La-12 đầu tháng 6-2013 và tại phiên họp Đại hội đồng LHQ ngày 28-9-2013 ở Niu Oóc (Hoa Kỳ), Việt Nam chính thức công bố tham gia lực lượng GGHB của LHQ, chủ yếu trong 4 lĩnh vực: Quan sát viên, tham mưu, công binh, quân y. Đây là những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh, không liên quan đến xung đột, tranh chấp, thể hiện tính chất nhân đạo, xây dựng. Quan điểm của Việt Nam là hoạt động GGHB cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương LHQ, bảo đảm an toàn cho các nhân viên, bảo đảm công khai minh bạch và quản lý có hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm kỷ luật của các binh sĩ cũng như hành vi ứng xử đúng mực của họ.
Ngày 4-12-2013, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Trung tâm GGHB Việt Nam; ngày 27-5-2014, Trung tâm chính thức ra mắt. Trung tâm có nhiệm vụ “Nghiên cứu, tham mưu, đào tạo, huấn luyện, chuẩn bị và triển khai lực lượng, chỉ huy và điều hành toàn bộ lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ của QĐND Việt Nam”.
Tháng 6-2014, hai sĩ quan Việt Nam đầu tiên là Trung tá Mạc Đức Trọng và Trung tá Trần Nam Ngạn được cử đi Nam Xu-đăng làm sĩ quan liên lạc tại Phái bộ GGHB của LHQ ở quốc gia này và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong nhiệm kỳ đầu tiên, được LHQ đánh giá cao. Ngày 11-4-2015, Trung tâm cử thêm 3 sĩ quan sang làm nhiệm vụ tại Phái bộ GGHB LHQ tại Cộng hòa Trung Phi, gồm: Trung tá Nguyễn Xuân Thành, Thiếu tá Vũ Văn Hiệp làm nhiệm vụ sĩ quan tham mưu quân sự, Đại úy Hoàng Trung Kiên làm nhiệm vụ sĩ quan tham mưu trang bị. Ngày 18-7-2015, Thiếu tá Trương Anh Tuấn và Đại uý Nguyễn Đức Thắng cũng đã lên đường sang Phái bộ Nam Xu-đăng thực hiện nhiệm vụ.
Đại tá Hoàng Kim Phụng cho biết, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo về GGHB của Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh-Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo, Trung tâm GGHB Việt Nam đang tích cực triển khai hàng loạt công tác chuẩn bị cho việc tham gia hoạt động GGHB LHQ sắp tới. Đó là, xúc tiến thành lập Bệnh viện dã chiến cấp 2 và đơn vị Công binh; rà soát lập danh mục trang thiết bị cho Bệnh viện dã chiến theo chuẩn của LHQ để đề xuất Thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt mua sắm.
Đại tá Lưu Đức Hiến-Phó giám đốc Trung tâm nói rõ thêm: Lực lượng cán bộ, y bác sĩ thuộc Bệnh viện dã chiến cấp 2 gồm 70 đồng chí với 2 thê đội-một ở Bệnh viện 175 (TP. Hồ Chí Minh) và một ở Bệnh viện 354 (Hà Nội) đến nay được điều động cơ bản đã đủ, đang tham gia huấn luyện chuyên môn và tiếng Anh. Nhiệm vụ tổ chức, huấn luyện Đại đội Công binh đã được giao cho Binh chủng Công binh. Những thành phần của Đại đội Công binh này được tuyển chọn chặt chẽ, được bồi dưỡng về ngoại ngữ, huấn luyện thường xuyên. Dự kiến đến cuối năm 2015, Bệnh viện dã chiến cấp 2 sẽ hoàn tất mọi công tác chuẩn bị để sẵn sàng triển khai ở một phái bộ phù hợp theo yêu cầu của LHQ; còn Đại đội Công binh sẽ sẵn sàng vào đầu năm 2016.
Để phục vụ công tác lập kế hoạch triển khai, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các bộ, ngành trong Tổ công tác liên ngành về GGHB đi khảo sát Phái bộ UNMISS (Nam Xu-đăng) và Phái bộ MINUSCA (Cộng hòa Trung Phi) để khảo sát thực địa. Sắp tới, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục cử đoàn đi nghiên cứu về chế độ chính sách đối với sĩ quan, QNCN tham gia GGHB LHQ, nghiên cứu hệ thống bồi hoàn đối với trang thiết bị triển khai theo đơn vị.
Với truyền thống, kinh nghiệm trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; với tính kỷ luật, trình độ chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm cao, anh Bộ đội Cụ Hồ đội những chiếc mũ nồi xanh là sứ giả của dân tộc Việt Nam yêu hoà bình, chắc chắn sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế cao cả.
Duy Quang