Từ xưa đến nay, ta thường ví những người chất phác, hiền lành là “lành như đất”. Ấy là sự nhân cách hóa và nói về đất ở trạng thái tĩnh. Hàng nghìn đời nay đất chỉ biết dâng cho đời hoa thơm trái ngọt, nuôi sống người bằng lúa, ngô, khoai… Nhưng lúc ở trạng thái động, khi mà “đất bằng nổi sóng” thì đất thật dữ dội. Cũng là để ví mối quan hệ giữa con người với đất đai vậy thôi.
Đất lành hay giữ, tĩnh hay động là ở con người. Ở đâu ứng xử đàng hoàng, quản lý phân minh, giao quyền cụ thể thì đất thật lành hiền. Còn ngược lại thì ắt “đất động dưới chân!”.
Những năm gần đây khi đất trở thành hàng hóa, một thứ hàng hóa mà lợi nhuận không gì so sánh nổi thì đất thật sự là nguyên nhân của bao chuyện kẻ khóc người cười, lay động đến giá trị đạo đức từ lâu đời. Cha mẹ từ con, anh em lìa nhau, xóm giềng cạch mặt chỉ vì đất.
Có thể nói không gì nhanh chóng và dễ dàng trở thành giàu có bằng tham nhũng đất. Nói dễ dàng thì ví như dựa vào việc cấp đất cho các dự án phát triển kinh tế, đô thị, xây dựng khu công nghiệp… đáng cấp 5 thì cấp thành 8, thành 10 để rồi nhiều quan chức được lại quả, tiếp theo đó là mua bán lòng vòng. Các chủ doanh nghiệp, các chủ dự án lợi dụng buôn bán kiếm lời to. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây lãng phí đất đai một cách ghê gớm. Nhà nước thì bị thất thoát lớn do cơ chế hai giá và lãng phí đất. Đây cũng là vấn đề gây nhức nhối trong dân, nguyên nhân của những vụ khiếu kiện kéo dài đông người. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói: Giá đền bù không sát giá thị trường, chênh lệch hàng trăm lần thì làm sao người ta chịu được (Tuổi trẻ online 19-9-2012).
Và, cũng có thể nói không có gì thất đức bằng “ăn cướp” đất. Bằng nhiều thủ đoạn khi trắng trợn, lúc tinh vi, họ tích tụ đất theo cách mua rẻ bán đắt xưa cũ; họ không chỉ xẻ thịt đất công mà còn chiếm đoạt cả quyền sử dụng đất của dân. Cách đây cũng chưa lâu, một số vụ nổi tiếng dư âm còn tới hôm nay như Đồ Sơn (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), hồ Trị An (Đồng Nai), Phú Quốc (Kiên Giang), Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), Tam Đảo (Vĩnh Phúc)… Những vụ đại loại như vậy nhiều vô kể, lớn nhỏ khác nhau hầu như địa phương nào cũng có. Nhiều vị còn ngang nhiên phô diễn oai quyền xây biệt thự, nhà nghỉ lộng lẫy như cung vua phủ chúa giữa làng quê nghèo. Gần đây, một vị “trọng thần” cấp tỉnh và một đại gia chuyên ngành khai thác vàng đã ngang nhiên xây dựng trái phép biệt thự, biệt phủ trong vùng địa linh cẩm tú ở Hải Vân làm rung động dư luận bởi thói ngông cuồng kiểu cát cứ của các sứ quân thời xa xưa.
…Dù là quyền sở hữu hay quyền sử dụng thì đất đai ngàn đời nay vẫn gắn với đời sống hằng ngày và đều thiêng liêng trong tâm khảm người dân. Đảng và Nhà nước ta đã có đường lối, chính sách, luật pháp hết sức thỏa đáng và nghiêm minh. Nhưng lóa mắt vì cái lợi riêng, nhiều người đã bất chấp để làm những việc rất thiển cận.
Họ đã tạo ra sự giận dữ của đất!
Xuân Lộc