Đầu năm 1971, với cương vị Binh trạm trưởng kiêm Chính ủy Binh trạm 27, thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn, có nhiệm vụ chỉ huy đơn vị trực tiếp bảo đảm vận chuyển phục vụ chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, đồng chí Phan Hữu Đại nhận được tin từ hậu phương là vợ sinh con trai. Thế là chuyện đặt tên con trở thành một kỷ niệm không quên giữa mùa ông tham gia chiến dịch. Đại tá Phan Hữu Đại kể lại:

Tối hôm đó (sau đợt 2 chiến dịch Đường 9 - Nam Lào), ông ở lại Sở chỉ huy tiền phương của Binh trạm. Ngồi dưới hầm nghe bom B.52 giội liên tục, khi gần, khi xa. Khói bụi thường xuyên bốc vào hầm. Thỉnh thoảng lại có trận bom làm chấn động nắp hầm. Cùng lúc, ông bị lên cơn sốt nặng… Núi rừng đêm đó bị xáo động mạnh; hổ, báo, nai chạy bổ ra đường; tình cờ một chú báo con lao vào hầm Ban chỉ huy Binh trạm. Cậu Vượng - cần vụ nhanh như cắt, hai tay chặn cổ con báo; cậu Thanh - chiến sĩ thông tin dùng báng súng phang mạnh… Anh em bàn nhau làm thịt con báo dưới hầm. Rồi mỗi người một tay, đứa lấy củi, người nhóm bếp. Trên thì máy bay cứ việc đánh, dưới hầm anh em làm thịt thú rừng, thui thui nướng nướng. Thịt nướng thơm phức, anh em khen ngon chưa từng thấy. Ông Đại thử một miếng thấy đắng ngắt, có thể vì ông bị sốt nặng; nhưng ông thấy phấn chấn vì trong cảnh bom đạn, anh em mình vẫn rất lạc quan.

Sáng sớm, có tiếng chuông điện thoại. Ông Đại cầm máy nghe tiếng của Phó chính ủy Binh trạm Phùng Hữu Để cho biết có người ngoài Hà Nội muốn gặp. Trong chốc lát, ông nghe tiếng một người xứ Nghệ, anh tự giới thiệu là Đạm - cán bộ tham mưu Tổng cục Hậu cần. Thấy lo lo, vì sợ có tai họa gì ở hậu phương, nên ông Đại hỏi ngay có chuyện gì mà anh Đạm cần gặp, thì anh Đạm cười và nói:

- Tôi xin thông báo với Thủ trưởng một tin vui, ở nhà chị đã sinh một cháu, mẹ tròn con vuông.

Ông Đại cảm ơn anh Đạm đã quan tâm đến gia đình ông, đặc biệt là ông đang chiến đấu ở chiến trường.

Vợ chồng ông Đại đã có hai con gái. Mừng được tin vợ đẻ đứa thứ ba “mẹ tròn con vuông”, thực tình rất muốn có con trai, nhưng ông không dám hỏi thẳng mà chỉ hỏi một câu chung chung:

- Cháu khỏe không anh?

- Hoàng tử của anh khỏe lắm - anh Đạm trả lời.

Nửa tin nửa ngờ, ông hỏi lại:

- Anh nói gì, tôi nghe chưa rõ?.

- Chị sinh cháu trai, cháu rất khỏe, anh nghe rõ chưa?

- Tôi nghe rõ rồi, xin cảm ơn anh. Cho tôi gửi lời thăm anh em trong cơ quan Tổng cục và nhờ báo cho nhà tôi biết tôi vẫn khỏe”.

Biết đích xác vợ đẻ con trai, ông Đại mừng tới mức “toát cả mồ hôi trán, mặc dù cơn sốt vừa dứt mà người cứ run lên, vì vừa vui chiến thắng, vừa vui vì có con trai. Hai hàm răng của tôi cứ đánh vào nhau canh cách mà vẫn rung lên được mấy câu hát “tủ” từ hồi kháng chiến chống Pháp: “Bao chiến sĩ anh hùng lạnh lùng vung gươm ra sa trường…”.

Trong không khí vui vẻ, ông Đại hỏi cậu Vượng (cần vụ) nên đặt tên gì cho con trai? Vượng đáp:

- Phải đặt cho cháu một cái tên thật đặc biệt là Phan Đại Phá Bản Đông, để làm kỷ niệm.

- Tên đàn ông chỉ có ba từ, tên cậu đặt tới năm từ, nghe lòng thòng quá - Ông Đại nói ngay.

Cậu Thanh (thông tin) chêm vào:

- Hay đặt tên là Phan Đường Chín - Nam Lào có được không Thủ trưởng?

Thấy mấy tên anh em đặt không ổn, ông Đại quyết luôn:

- Tên Thanh đặt cũng lòng thòng như tên Vượng đặt. Tớ đặt cho cháu tên là Phan Trường Sơn được không? Tên này cốt là để kỷ niệm những năm tháng bố nó và đồng đội cùng chiến đấu trên dải Trường Sơn hùng vĩ, khốc liệt và với tên đó, tớ ước mong con mình sẽ giữ được dòng máu cách mạng, nối gót cha ông.

Vượng và Thanh nhất trí. Vượng còn đế thêm:

- Nếu sau mùa khô năm ngoái, “cụ” Nguyên (Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - Đồng Sĩ Nguyên) không giục Thủ trưởng tranh thủ về Hà Nội mấy ngày thì chắc gì đã có hoàng tử Phan Trường Sơn hôm nay!

- Thì chính cậu cũng thích về, tranh thủ gặp bạn gái, nên giục tớ như giục đò cạn nước…

Thế là cả hai chú cháu cùng cười hì hì…

Người đời có câu: “Họa vô đơn chí, Phúc bất trùng lai!”. Nhưng với Binh trạm trưởng Phan Hữu Đại lúc này là “Phúc vẫn trùng lai”, niềm vui nhân đôi. Cùng với  chỉ huy Binh trạm 27 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì, vợ chồng ông còn có “hoàng tử” Phan Trường Sơn. Không “Phúc vẫn trùng lai” là gì?

Duy Tường - biên soạn từ “Trường Sơn miền ký ức”, T.2, Nxb QĐND, 2009.