Xy-ri là một quốc gia cổ nằm trên trục đường tơ lụa nổi tiếng thế giới, là đầu cầu giao thương của ba lục địa Á, Âu và châu Phi mà dấu tích còn đến ngày nay là các lâu đài, thành quách kỳ vĩ và các trung tâm thương mại lớn. Mặc dù dân số chỉ gần 20 triệu người và diện tích hơn 185 nghìn ki-lô-mét vuông, nhưng Xy-ri có vị trí chiến lược trọng yếu, là nơi diễn ra cuộc tranh giành ảnh hưởng quyết liệt của các cường quốc. Từ năm 1963, Đảng Bát của Xy-ri ra đời lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước có màu sắc XHCN thì Xy-ri quan hệ khá chặt chẽ với Liên Xô trước đây, Nga hiện nay và các nước Đông Âu, trong đó có quan hệ tốt đẹp với Việt Nam. Cũng từ rất lâu, Mỹ và các nước phương Tây tìm mọi cách can thiệp vào Xy-ri nhằm lôi kéo nước này vào quỹ đạo của họ. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Ba-xa An Át-sát và khi ông qua đời năm 2007 thì con trai ông là Ha-phê An Át-sát được bầu làm tổng thống kế nhiệm đã kiên quyết chống lại sự can thiệp của Mỹ và phương Tây.
Cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Xy-ri có nhiều nguyên nhân, cả nội tại và bên ngoài tác động đan xen. Phải thừa nhận rằng Xy-ri đã đạt nhiều thành tựu quan trọng cả về chính trị, kinh tế xã hội và văn hóa nhưng trong 3 thập niên vừa qua đã bộc lộ nhiều khó khăn nan giải do mất đi nguồn viện trợ lớn từ Liên Xô và tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu. Mặt khác do cầm quyền quá lâu và có biểu hiện chuyên quyền, nạn tham nhũng trầm trọng, tình trạng mất dân chủ và thoái hóa của bộ phận quan chức cấp cao khiến niềm tin người dân vào chính quyền và Đảng Bát giảm sút. Các tầng lớp xã hội bị phân hóa và chia rẽ nghiêm trọng. Lực lượng đối lập hình thành và phát triển rất nhanh trở thành mối đe dọa thực sự của chính quyền Ha-phê An Bát-sát. Lợi dụng thời cơ cuộc khủng hoảng chính trị tại các nước láng giềng, được sự hỗ trợ đắc lực của Mỹ và phương Tây, lực lượng đối lập đã nổi dậy chống trả quyết liệt nhằm lật đổ chế độ Ha-phê An Bát-sát. Cực chẳng đã, chính phủ dùng quân đội đàn áp nhưng đó lại như đổ thêm dầu vào lửa càng làm cuộc đối đầu một mất một còn thêm quyết liệt.
Nhiều nước, trước hết là Mỹ, Anh, Pháp đã can thiệp thô bạo vào Xy-ri. Liên hợp quốc cũng vào cuộc đã cử đặc phái viên Cô-phi A-nan đến thương thảo và đã đạt được giải pháp hòa bình với 3 điểm then chốt: ngừng bắn, chấm dứt bạo lực; quân đội Xy-ri rút ra ngoài các thành phố; đàm phán trong trật tự và thiện chí để tìm giải pháp mà các bên có thể chấp nhận. Đồng thời Liên hợp quốc đã ra nghị quyết đầu tiên về Xy-ri mặc dù bị Nga phản đối quyết liệt và buộc phải thay đổi nhiều điểm quan trọng theo đề nghị của Nga. Một phái đoàn giám sát quốc tế gồm 30 người đã đến Xy-ri ngày 16-4 -2012 và sẽ tăng lên hơn 300 người sau đó. Xy-ri có vẻ dịu đi và đi vào giải pháp hòa bình nhưng nhiều nhà quan sát đều cho rằng đất nước này còn chìm trong khủng hoảng chính trị một thời gian dài trước khi ngã ngũ.
Người ta dự đoán có ba khả năng cho Xy-ri. Một là, đạt được giải pháp hòa bình, Xy-ri thực hiện hòa giải dân tộc xây dựng chính phủ mới đáp ứng yêu cầu nguyện vọng nhân dân. Hai là, giải pháp hòa bình đổ vỡ, đất nước chìm sâu và nội chiến tang thương. Ba là, chính phủ Ha-phê An Át-sát thắng hoặc bị sụp đổ để phe đối lập nắm quyền.
Cả ba khả năng đều có thể nhưng khả năng hai là có nhiều vì vấn đề Xy-ri đã bị quốc tế hóa và đang dần mất kiểm soát của tất cả các bên, trong đó nguy cơ can thiệp, tác động vào phe đối lập để lật đổ chế độ Ha-phê An Át-sát của Mỹ và phương Tây là rất nghiêm trọng.
Kiều Thu