Phó giáo sư, bác sĩ Ngô Quý Châu-Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hô hấp Hà Nội cho biết, thực tế có nhiều bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh PTNMT, tuy nhiên lại thường không biết và đến khám bệnh muộn đã để lại di chứng nặng nề. Nguy cơ mắc bệnh PTNMT càng lớn hơn nếu các triệu chứng này xuất hiện trên những đối tượng như:

Hút thuốc lá, thuốc lào trên 10 năm: Trực tiếp đun bếp (than, củi, rơm, rạ) trên 30 năm; tiếp xúc khói, bụi, hóa chất nghề nghiệp... Đáng lưu ý, bệnh hay gặp ở nam giới trên 40 tuổi với những người có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào. Ô nhiễm môi trường trong nhà, ngoài nhà, nghề nghiệp
Ho, khạc đờm kéo dài: Đây là triệu chứng thường gặp và không do các bệnh phổi khác như lao phổi, giãn phế quản... Ho dai dẳng hoặc gián đoạn từng đợt (ho kéo dài ít nhất 3 tháng trong 1 năm và trong 2 năm liên tiếp trở lên), ho khan hoặc ho có đờm, thường ho khạc đờm về buổi sáng. Ho đờm mủ là một trong các dấu hiệu của đợt cấp do bội nhiễm.
Khó thở: Tiến triển nặng dần theo thời gian, lúc đầu là khó thở khi gắng sức, sau khó thở cả khi nghỉ ngơi và khó thở liên tục. Bệnh nhân phải gắng sức để thở, thở nặng, cảm giác thiếu không khí, hoặc thở hổn hển, thở khò khè. Khó thở tăng lên khi gắng sức, nhiễm trùng đường hô hấp.
Khám lâm sàng: Giai đoạn sớm của bệnh khám phổi có thể bình thường. Cần đo chức năng thông khí ở những đối tượng có yếu tố nguy cơ ngay cả khi thăm khám bình thường để chẩn đoán sớm bệnh PTNMT.
Cũng theo bác sĩ Ngô Quý Châu, khi phát hiện bệnh nhân có các triệu chứng nghi ngờ bệnh PTNMT cần chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế để làm thêm các thăm dò: Đo chức năng thông khí, chụp X quang phổi, điện tim... để chẩn đoán xác định và loại trừ những nguyên nhân khác có triệu chứng lâm sàng giống PTNMT. Đặc biệt, bệnh nhân nên dừng hút thuốc lá và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, định kỳ khám hằng tháng để được đánh giá lại tình trạng bệnh…
Thành An